Bộ trưởng Bộ Công thương: Không được phép để đứt gãy nguồn cung xăng dầu
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống, khó khăn đến đâu cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung.
Doanh nghiệp khó gồng gánh
Chiều 2/11, cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với các doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh phân phối xăng dầu diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tiếp tục đe dọa tới nguồn cung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Lý giải về hiện tượng nguồn cung xăng dầu tại một số địa bàn trong nước bị thiếu cục bộ thời gian qua, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết giá xăng dầu thành phẩm thế giới bình quân 10 tháng đầu năm đã tăng 57- 85% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9, giá xăng dầu có xu hướng giảm liên tục với biên độ lớn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng lớn xăng dầu với giá cao trong quý II nhưng từ quý III giá lại giảm liên tục.
Ngoài ra, những biến động về tỷ giá cùng với các yếu tố ngoại cảnh như mưa bão đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, vì vậy làm chậm nguồn cung ứng xăng dầu trong một số thời điểm.
Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu tăng cao đột biến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, trong tháng 10, Công ty Xăng dầu Khu vực II đã tăng tới 38% sản lượng bán so với bình quân 9 tháng đầu năm, có những ngày lượng xuất bán tăng tới 2,4 lần so với ngày thường. Thị phần của Tập đoàn tại các các tỉnh phía Nam đạt 25-35%, nhưng đã chạm mức 40-45% vào giai đoạn “nóng” nhất về nguồn cung.
“Petrolimex đã điều động khẩn cấp 1 tàu xăng 40.000 m3 về cảng Nhà Bè để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường TP HCM. Tuy nhiên, sức chống chịu của doanh nghiệp có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn và tình thế. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn”, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Petrolimex nhấn mạnh.
‘Không được phép để đứt gãy nguồn cung’
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống, khó khăn đến đâu cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung.
Bộ trưởng đã đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối có điều kiện khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch phân giao để sẵn sàng bù đắp sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được theo cam kết.
Bởi thực tế, đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối mới chỉ có 22 doanh nghiệp vượt kế hoạch phân giao. Còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) chưa hoặc không thực hiện đầy đủ kế hoạch phân giao.
“Quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được bảo vệ nhưng nghĩa vụ của các doanh nghiệp này là phải thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao. Đề nghị các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước trong thời điểm này cần phải có tiếng nói mạnh mẽ để kiến nghị tháo gỡ vướng mắc như: bảo lãnh, vốn, chi phí phát sinh để bảo đảm doanh nghiệp không bị lỗ triền miên và có điều kiện “cưu mang” hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Phân tích thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tình hình cung ứng xăng dầu trên toàn thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam hiện nay đều “không bình thường”. Do đó, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp trục trặc hồi đầu năm, Bộ Công Thương đã lập tức giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II cho 10 doanh nghiệp đầu mối, đồng thời liên tục họp với các doanh nghiệp để đánh giá tình hình. Kết quả, 9 tháng đầu năm, tổng nguồn xăng dầu các doanh nghiệp đầu mối đã thực hiện đạt 86,6% kế hoạch cả năm, trong đó hạn mức nhập khẩu đạt đến 115,9% kế hoạch.
"Đề nghị Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp chủ động gửi trực tiếp các kiến nghị đến cơ quan chức năng để phối hợp với nhau giải quyết. Các bên cần chung tay trong công tác truyền thông để đảm bảo khách quan, trung thực, phản ánh được tổng thể bức tranh của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước trong bối cảnh khó khăn, bất ổn chung như hiện nay", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cũng trong chiều ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1039 gửi các đơn vị liên quan về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Công điện nhấn mạnh phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống; đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối; các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…