Bộ Công thương: Doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tránh việc dừng sản xuất dịp gần Tết
(DNTO) - Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phù hợp, hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường.
Mới đây, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị Số 15 /CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo Chỉ thị, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; nên ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại cần chủ động tham gia các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu để mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, vùng xâu vùng xa, hải đảo nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
Đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm sẽ có phương án nhập khẩu để bình ổn thị trường, các doanh nghiệp phân phối thực phẩm trên địa bàn phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp lợn thịt cho thị trường và thực hiện việc giảm giá thành phẩm tương ứng cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường.
Bộ Công thương cho biết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.