Thị trường bánh kẹo Tết: Hàng ngoại chiếm ưu thế
(DNTO) - Đến hẹn lại lên, những ngày cận Tết Nguyên đán 2021, thị trường bánh kẹo càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Với sự cải tiến đa dạng về mẫu mã, độc đáo về chủng loại, hàng bánh kẹo trong nước và ngoại nhập năm nay hứa hẹn sẽ làm hài lòng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bánh kẹo là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết truyền thống của người Việt. Tết Tân Sửu 2021 đang đến gần, theo ghi nhận của phóng viên Doanh nhân trẻ Việt Nam, không khí mua sắm tại Hà Nội đang bước vào những ngày sôi động nhất trong năm. Hầu hết các siêu thị như Aeon Mall, Vinmart, Big C, hay chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ... đã bày bán đa dạng các loại bánh, kẹo, mứt của các công ty, các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước với những mẫu mã, hương vị đa dạng được tung ra thị trường.
Tại các siêu thị lớn như Big C hay chợ đầu mối Đồng Xuân, bánh kẹo Việt như: Kinh Ðô, Bibica, Tràng An, Hữu Nghị, Hải Hà, Richy... chiếm thế áp đảo hơn 80% trên các kệ hàng, với sự mạnh dạn đầu tư về mẫu mã, chất lượng, từng bước chuyển mình khẳng định vị thế trên thị trường. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, nhưng giá thành tương đối bình ổn không tăng nhiều so với năm trước.
Cô Kim Ngân, một tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Chủng loại hàng bánh kẹo Tết của Việt Nam sản xuất năm nay rất đa dạng và phong phú, có nhiều cải tiến về hình thức vô cùng bắt mắt, giá cả lại hợp túi tiền người dân. Đơn cử như bánh hộp thiếc Korento, Cananga, Salvia của Kinh Đô với mức giá dao động từ 120.000 đến 250.000 đồng/hộp. Kẹo các hương vị có giá dao động từ 20.000 đồng/túi trở lên tùy vào trọng lượng mỗi túi”.
Trong khi đó ở các cửa hàng bán lẻ, siêu thị mini lại là sự “lên ngôi” của bánh kẹo ngoại. Hàng nhập ngoại năm nay không chỉ bó hẹp ở một vài thương hiệu truyền thống từ châu Âu như Nga, Bỉ, Đan Mạch, mà còn nở rộ các thương hiệu từ Thái Lan, Malaysia,Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Những mặt hàng này được trưng bày tại các “mặt tiền” giúp cho người tiêu dùng dễ lựa chọn.
Hàng ngoại chiếm ưu thế với các nhãn hiệu quen thuộc như: Royal, White Castle, Bristish, Danisa... rất đa dạng về chủng loại, có cả bánh quy nấm, kẹo sô-cô-la Gấu Trúc; bánh quy nhân kem cho người ăn chay, bánh quy hương va-ni không đường; sô-cô-la nhân dưa, táo, dâu, dứa... Theo khảo sát, giá bánh ngoại thường dao động từ 100.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/hộp tùy loại và trọng lượng.
Dòng kẹo ngoại được khách lựa chọn mua nhiều trong năm nay là Butter Toffes của Mexico giá 120.000 đồng/hộp 600g, kẹo Frutal Arcor loại đựng trong hộp thiếc sang trọng của Thổ Nhĩ Kỳ giá hơn 140.000 đồng/hộp 400g. Bên cạnh đó hạt dẻ, mận khô, nho khô, cherry của Đức, Mỹ cũng khá được ưa chuộng.
“Để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỷ lệ tương đương nhau. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội, còn làm quà biếu thì hàng ngoại vẫn được ưu tiên hơn”, chị Thu, chủ 1 cửa hàng bán lẻ tại phố Hàng Buồm, Hà Nội cho biết.
Chị Trương Hiên, nhà ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Tôi thường chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền chứ không quan trọng là ngoại hay nội. Chẳng hạn khi mua làm quà biếu, tôi chọn hộp bánh trông đẹp, sang trọng một chút. Nếu hàng nội và ngoại giá tương đương nhau thì tôi sẽ chọn bánh ngoại vì mẫu mã trông bắt mắt hơn".
Càng gần Tết Nguyên đán 2021, thị trường bánh kẹo, mứt càng sôi động. Tuy nhiên, đi kèm với sự đa dạng về chủng loại cũng như hương vị, mẫu mã của các mặt hàng là mối lo ngại về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khi những sản phẩm gia công kém chất lượng trà trộn ngày càng tinh vi và phức tạp.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các gia đình nên chọn mua những loại bánh kẹo, mứt, rượu bia có xuất xứ rõ ràng. Chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì.
Đặc biệt nên lựa chọn sản phẩm của các hãng đã có tên tuổi, thương hiệu, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình và người thân, tránh vì tham rẻ mà mua những mặt hàng trôi nổi, không có nguồn gốc và hạn sử dụng để tránh bị “tiền mất tật mang".