Biến động mạnh nhất trong 5 tháng, vàng sẽ giảm giá sâu hơn hay quay đầu tăng mạnh?
(DNTO) - Diễn biến lao dốc không phanh và tăng trở lại trong 2 ngày vừa qua của giá vàng khiến nhà đầu tư lẫn các chuyên gia bất ngờ. Tuy nhiên, với xu hướng đồng USD suy giảm, lạm phát có thể gia tăng theo đà hạ lãi suất và tăng bơm tiền của rất nhiều nước, vàng sẽ không giảm mạnh như suy đoán.
Kim loại quý thế giới đã trải qua tuần suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 5, dưới áp lực từ xu hướng tăng giá của đồng USD trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm về chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump và ảnh hưởng tiềm tàng của việc này đối với kỳ vọng lãi suất.
Biến động mạnh nhất với giá vàng xảy ra vào thứ 5 ngày 7/11 (theo giờ Việt Nam), chỉ một ngày sau cuộc bầu cử Mỹ, giá vàng thế giới giảm mạnh 85 USD/ounce. Trong phiên diễn ra vào thứ 6 (8/11) lại chứng kiến sự phục hồi 46 USD cho mỗi ounce vàng. Tuy nhiên, mức hồi phục này chỉ là tạm thời, tới phiên giao dịch hôm nay (9/11), giá vàng một lần nữa sự sụt hơn 20 USD và đóng cửa tuần ở mức 2.684 USD/ounce.
Ở trong nước, sau khi giảm mạnh tới 6 triệu đồng mỗi lượng, tương ứng mức giảm ròng tới gần 7% trong ngày 7/11, cũng là mức giảm mạnh nhất mà giá vàng trong nước ghi nhận từ đầu năm tới nay, thị trường vàng đã hồi sức tăng trở lại 1 triệu đồng vào sáng 8/11.
Ghi nhận, công ty SJC mở cửa đầu ngày mua vào với mức 82 triệu đồng/lượng, bán ra 86,5 triệu đồng. Chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC vẫn neo ở mức kỷ lục là 4,5 triệu đồng/lượng. Tính chung sau 2 ngày vẫn giảm 5 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 3 triệu đồng ở chiều bán ra.
Tương tự, giá vàng nhẫn cũng nhào lộn trong 2 ngày qua khiến nhiều người "thót tim". Giá vàng nhẫn 4 số 9 đầu ngày 8/11 được SJC tăng 1 triệu đồng, lên mức mua vào 82 triệu đồng, bán ra 84,8 triệu đồng và được duy trì hết cả ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn tại SJC vẫn được duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng nhưng chỉ bằng một nửa so với giá mua bán vàng miếng cùng thương hiệu.
Các công ty vàng bạc đá quý cũng nhiều lần thay đổi giá mua bán vàng nhẫn 4 số 9 theo chiều hướng tăng dần trong ngày. Chẳng hạn, PNJ mua vào với giá 83,4 triệu đồng, bán ra 85,2 triệu đồng, tăng 700.000 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày. Tương tự, Doji mua vào 83,35 triệu đồng, bán ra 85,15 triệu đồng, tăng 2,1 triệu đồng ở chiều mua và tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày… Tính chung sau 2 ngày, mỗi lượng vàng nhẫn đã giảm gần 3 triệu đồng.
Đến sáng 9/11, đầu phiên giao dịch, giá vàng miếng trong nước tiếp tục “rung lắc” khi giảm 200.000 so với cuối phiên 1 ngày trước đó. Cụ thể, SJC mua vào vàng miếng ở mức 82 triệu đồng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng. PNJ cũng mua vào vàng miếng ở mức 82 triệu đồng, bán ra 85,8 triệu đồng/lượng. Còn về vàng nhẫn, Công ty SJC mua vào với mức 82 triệu đồng, bán ra 84,8 triệu đồng. Công ty PNJ thì cao hơn khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng, mua vào 83,4 triệu đồng, bán ra 85,2 triệu đồng.
Khó lường trong ngắn hạn
Dự kiến, ông Trump sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1/2025, tức hơn 2 tháng nữa. Câu hỏi được đặt ra là triển vọng thị trường vàng sẽ ra sao, giá vàng có còn giảm sâu hay giảm nhẹ, hoặc quay đầu tăng mạnh trở lại?
Giới phân tích cho rằng, sự biến động lớn của giá vàng có thể kéo dài trong thời gian tới khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi phản ứng của thị trường trước chính sách kinh tế Mỹ, các động thái của Fed và sự phi đô-la hóa của khối BRICS. Bất cứ thay đổi nào trong các yếu tố này đều có thể đẩy giá vàng lên hoặc xuống đáng kể.
Hiện nay, vàng đang chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi hai yếu tố lớn: Kỳ vọng vào việc Mỹ có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và xu hướng gia tăng dự trữ vàng ở nhiều quốc gia. Khối BRICS, trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào USD, đã đẩy mạnh mua vàng để củng cố đồng nội tệ, tạo nên một lực mua đáng kể trên thị trường thế giới. Điều này sẽ khiến giá vàng khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn, thậm chí có thể tạo nên những đợt tăng mạnh, gây sức ép lên giá vàng trong nước.
"Trước mắt, giá vàng có thể kéo dài các đợt điều chỉnh từ 1 - 2 tháng, xoay quanh mức giá 2.600 - 2.700 USD/ounce. Giá vàng trong nước sẽ tăng giảm theo biến động của thế giới. Giá kim loại quý giảm mạnh 5 - 6 triệu đồng/lượng trước đó và nay hồi lại 1 - 2 triệu đồng là chưa đáng kể. Có thể trong ngắn hạn, thị trường vàng sẽ có những cơn sóng mạnh hơn", chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, biến động của giá vàng trong thời gian ngắn sẽ còn khá mạnh và rất khó dự báo. Bởi năm nay có nhiều yếu tố về căng thẳng địa chính trị nên sẽ khác với giai đoạn ông Trump làm Tổng thống Mỹ trước đây. Vì vậy, có thể giá kim loại quý cũng không giảm mạnh như suy đoán của nhiều người.
Trước bối cảnh đó, người tham gia thị trường vàng cần thận trọng. Đặc biệt là tình trạng người dân mang vàng ra bán mà tiệm vàng không mua vào và chênh lệch giá mua với giá bán bị đẩy lên quá cao có thể lặp lại càng khiến người mua càng thua lỗ nặng. Tình trạng "giá tăng thì mua, giá giảm thì bán" lại tái diễn. Dù giá vàng hiện nay đang ở mức thấp từ 4 - 5 triệu đồng/lượng so với đỉnh gần nhất, cũng là cơ hội để mua nhưng với mức giá chênh lệch giữa mua bán vàng, các nhà vàng đang đẩy rủi ro cho người mua. Đây cũng là yếu tố cần cân nhắc nếu không muốn vừa mua xong đã lỗ ngay 2 - 4 triệu đồng.
"Nếu muốn tham gia vào thị trường vàng lúc này, nhà đầu tư chỉ nên dịch chuyển từ 10%-15% tiền nhàn rỗi vào vàng và tập trung vào các sản phẩm có thanh khoản cao như vàng miếng SJC hoặc vàng nhẫn 9999. Bên cạnh đó, nếu đầu tư vàng để giữ giá trị tài sản trung và dài hạn, nên cân nhắc mua vào ở những đợt giảm giá sâu hơn thay vì đuổi theo những đợt tăng giá nóng", vị chuyên gia lưu ý.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhấn mạnh rằng thị trường vàng trong nước vẫn tồn tại khoảng cách lớn với giá vàng quốc tế, và chịu tác động mạnh từ tâm lý kỳ vọng. Đáng chú ý, NHNN cũng cho biết một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ 99.99% có thể được sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu, tạo thêm rủi ro cho thị trường vàng nhẫn trong nước. Theo NHNN, hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Trong thời gian tới, NHNN cho biết, sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.