SJC và vàng nhẫn kéo nhau 'đu đỉnh', chuyên gia nhận định về biến động giá trong ngắn hạn
(DNTO) - Phiên giao dịch hôm nay (21/10) ghi nhận giá vàng nhẫn đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, phá đỉnh 86,65 triệu đồng/lượng. Trong khi một số chuyên gia bày tỏ lo lắng khi giá vàng tăng quá cao, nhiều ý kiến cho rằng đà tăng sẽ không dừng lại trong ngắn hạn.
Giá vàng tăng cao nhất mọi thời đại
Sau một trong những đợt tăng giá mạnh mẽ và ổn định nhất trong năm vào tuần qua, giá vàng thế giới đã đạt mức cao kỷ lục mới. Vàng giao ngay bắt đầu tuần giao dịch ở mức 2.650 USD/ounce và chốt tuần ở mức giá cao kỷ lục lịch sử, trên 2.722 USD/ounce.
Trong nước, hôm qua (20/10), giá vàng miếng SIC được Tập đoàn DOJI, Công ty SJC và Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 84-86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đến 12h00 hôm nay (21/10), giá vàng miếng SJC được các đơn vị này tăng 2 triệu đồng/lượng cả hai chiều, lên ngưỡng 86 - 88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy chỉ sau một phiên giao dịch, người mua vàng đã hòa vốn. Đây là việc tương đối khó khăn vì mức chênh lệch 2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra vàng miếng được đánh giá là rất cao.
Đáng chú ý, đối với giá vàng nhẫn trơn, phiên 20/10 DOJI niêm yết ở ngưỡng 84,7-85,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đến 12h hôm nay (21/10), giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 85,65-86,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 950.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra. Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 85,48-86,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra. Đây là phiên giao dịch tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá vàng nhẫn tròn trong tuần này.
Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi lượng vàng nhẫn tăng 2,5 triệu đồng ở chiều thu mua và tăng 2,2 triệu đồng ở chiều bán ra. Còn so với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn tăng hơn 21 triệu đồng, ghi nhận hiệu suất sinh lời trên 35%. Diễn biến tăng nhanh của giá vàng nhẫn đang tạo ra những cảm xúc trái chiều trong giới đầu tư. Có người vui mừng vì đã kịp tích trữ vàng, trong khi không ít người tiếc nuối vì đứng ngoài “cơn sốt” này.
Lý giải cơn sốt vàng, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đà tăng như vũ bão phản ánh rõ nhu cầu đầu tư vàng của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung lại bị siết chặt bởi các biện pháp kiểm soát thị trường vàng của cơ quan chức năng. Trước hết, hoạt động mua bán vàng miếng SJC không còn phản ánh sát cung cầu thực tế. Khi muốn giao dịch vàng miếng SJC, người dân phải thông qua các đơn vị được cấp phép và số lượng vàng miếng mua bán rất hạn chế, với thủ tục khá phức tạp.
Việc bán vàng miếng SJC chỉ được thực hiện qua các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với số lượng nhỏ và thủ tục rườm rà, khiến người dân khó đáp ứng nhu cầu. Điều này dẫn đến sự chuyển dịch sang mua vàng nhẫn của một số thương hiệu tư nhân, nơi việc giao dịch thuận tiện hơn.
“Vàng miếng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều tiết và có thể nói là thị trường khá ổn định nhưng chỉ ổn định một nửa. Tức là ổn định về giá. Còn thực tế thì trên thị trường không có nguồn cung, trong khi nguồn cầu rất cao. Thị trường vàng trong nước hiện giống như quả bóng, một đầu là vàng miếng, một đầu là vàng nhẫn, bóp đầu này thì sẽ phình đầu kia. Và đây cũng là một nguyên nhân đẩy giá vàng nhẫn tăng cao, thậm chí còn tiếp tục biến động mạnh hơn trong thời gian sắp tới”, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác vẫn chưa đủ sức hút. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn "lình xình" quanh ngưỡng 1.300 điểm, thiếu sự ổn định và chưa có động lực tăng trưởng bền vững. Thị trường trái phiếu gặp khó khăn do quá trình điều chỉnh pháp lý, cần thời gian để chuẩn hóa, khiến nó chưa đủ hấp dẫn. Còn bất động sản, mặc dù có tiềm năng phục hồi, nhưng yêu cầu vốn đầu tư lớn, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp khó khăn khi tiếp cận.
Với mức vốn đầu tư thấp hơn, vàng nổi lên như một lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi. Không giống như cổ phiếu hay trái phiếu, vàng thường giữ vững giá trị trong mọi điều kiện kinh tế nhưng vẫn có cơ hội sinh lời nhờ biến động giá vàng trong ngắn hạn. Chính vì thế, vàng, đặc biệt là vàng nhẫn, đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Dự báo dư địa tăng cho tới khi giá đạt trần còn lớn
Dù giá vàng đã hơn 30 lần lập kỷ lục trong năm nay, giới phân tích cho rằng dư địa tăng cho tới khi giá đạt trần còn lớn. Chuyên gia phân tích cao cấp tại tổ chức BubbleBubble Report, ông Jesse Colombo tin rằng thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh, hiện tại giá vàng thế giới sẽ vẫn tăng trong ngắn hạn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và các yếu tố kỹ thuật tăng giá.
“Quá trình tăng giá trên thị trường vàng chỉ vừa mới bắt đầu, còn nhiều nhà đầu tư chưa vào thị trường. Tâm lý mua đuổi sẽ vẫn tiếp diễn. Dự báo một khi giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.700USD/ounce sẽ nhanh chóng chạm mức 3.000USD/ounce".
Cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy tâm lý thận trọng của các chuyên gia trong ngành gần như đã biến mất. Cụ thể, trong số 16 nhà phân tích đã tham gia Khảo sát vàng thì gần như toàn bộ (15/16 chuyên gia, tương đương 94%) đồng thuận rằng giá vàng sẽ tăng cao hơn nữa trong tuần tới. Chỉ có 1 nhà phân tích duy nhất tỏ ra trung lập về triển vọng ngắn hạn của vàng. Không ai nghĩ rằng dự đoán giá kim loại quý này sẽ giảm.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, dù xu hướng tăng vẫn là chủ đạo thì lúc này bắt đầu xuất hiện những cảnh báo rủi ro. Khi có quá nhiều nhà đầu tư sợ “lỡ tàu” trên thị trường vàng, diễn biến này tiềm ẩn rủi ro đẩy giá vàng hạ rất mạnh ngay khi Fed thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ, hoặc bất ngờ có một lượng nhà đầu tư chốt lời, làn sóng bán chốt lời sẽ lan nhanh. Tình trạng quá mua trên thị trường vàng sẽ nhanh chóng bị đảo ngược.
"Biến động của giá vàng nhẫn lâu nay thường phụ thuộc vào vào giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm thì giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 4-5 triệu đồng/lượng nên áp lực giảm theo khi vàng thế giới lao dốc là hợp lý. Chưa kể, giá vàng nhẫn tăng nóng khi nhà đầu tư sốt ruột muốn mua vào chờ giá tăng tiếp, vô hình trung tạo giá ảo và rủi ro", ông Phương nói.
Đồng thời nhấn mạnh, người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người đã mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. Mua vàng trong nước lúc này rất dễ "đu đỉnh" nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn.
Trước đây, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về những hạn chế của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành hơn một thập kỷ trước, và cho rằng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ vàng miếng SJC, NHNN nên linh hoạt hơn trong việc điều hành hoạt động kinh doanh vàng của các cơ sở, tạo điều kiện cho vàng trong dân được lưu thông dễ dàng hơn, từ đó tăng cường nguồn cung cho thị trường. Việc giám sát nguồn gốc và cơ sở dữ liệu của người mua bán vàng cũng cần được điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cung - cầu trong bối cảnh giá vàng đang biến động mạnh và NHNN chưa can thiệp bằng cách nhập khẩu vàng.
Thời gian tới, khi tỷ giá ổn định và dòng tiền nước ngoài quay trở lại Việt Nam, sẽ là thời điểm thích hợp để NHNN gia tăng dự trữ ngoại hối, bao gồm cả việc nhập khẩu vàng để ổn định thị trường trong nước.