Chuyên gia dự báo những kịch bản về lãi suất, tỷ giá và tài sản hút dòng tiền nửa cuối năm
(DNTO) - Nửa cuối năm, dự báo lãi suất cho vay tăng ít nhất 0,5%, còn lãi suất huy động có thể tăng khoảng 1%. Các chuyên gia cho rằng, chứng khoán sẽ là tài sản đứng đầu danh mục đầu tư, tiếp đến là bất động sản nhưng chỉ trong một vài lĩnh vực cụ thể.
Lãi suất tăng ít nhất 0,5%, tỷ giá USD/VND có thể tăng đến 6%
Mặt bằng lãi suất huy động VND đang có xu hướng tăng rõ nét từ nửa cuối tháng 4 tại hầu hết các ngân hàng. Tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay có 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank và BIDV. Trong đó phải kể đến ngân hàng BIDV, ngày 22/7 đã tăng lãi suất huy động lên mức 6,2%/năm, là mức cao nhất thị trường hiện nay theo công bố.
Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, mặt bằng lãi suất huy động trong quý 3 sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1%.
Nhiều lo lắng về hệ quả tất yếu của việc tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay có thể cũng tăng theo. Nêu quan điểm tại Hội thảo "Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm", mới đây, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, cho rằng, với độ trễ từ huy động đến cho vay thì lãi suất cho vay sẽ không tăng trong năm nay.
“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ ổn định, khuyến khích các ngân hàng thương mại tối ưu, cắt giảm chi phí để mang đến mức lãi suất cho vay có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Dưới chủ trương này, lãi suất cho vay được kỳ vọng tiếp tục giảm hoặc chí ít là bình ổn trong giai đoạn cuối năm nay", ông Thịnh nói.
Dẫn số liệu từ NHNN, chuyên gia cho biết thêm, lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay giảm 0,99%, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nguồn tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh đúng như mục tiêu của NHNN là tối ưu hệ thống, cắt giảm chi phí hết mức để phục vụ doanh nghiệp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu lại dự báo rằng, hiện nay chưa có yếu tố nào hỗ trợ việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn. Lãi suất cho vay bình quân có thể tăng ít nhất 0,5% trong nửa cuối năm 2024, còn lãi suất huy động có thể tăng khoảng 1%.
"Bất cứ khi nào hoạt động cho vay mạnh mẽ hơn thì lãi suất cho vay sẽ tăng, giống như quy luật cung - cầu. Bởi các ngân hàng cũng hoạt động kinh doanh theo nhu cầu thị trường. Thị trường tín dụng tăng cầu, đồng nghĩa với việc tăng rủi ro. Nhu cầu vay vốn tăng cao thì lãi suất cho vay sẽ tăng. Trong khi hoạt động tín dụng nửa cuối năm 2024 được dự báo sẽ sôi động hơn", ông Hiếu nói.
Một yếu tố nữa là lãi suất đầu vào, tức lãi suất huy động tăng để các ngân hàng thu hút dòng tiền nhằm mục đích cho vay. Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất đầu ra là lãi suất cho vay sẽ tăng vì các ngân hàng giữ một biên độ lợi nhuận từ huy động đến cho vay trong khoảng 3-4%.
Cũng theo ông Hiếu, việc tăng lãi suất huy động cũng có thể đến từ nguyên nhân nợ xấu đang gia tăng. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng của cả hệ thống đã gần 5%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC, con số này là khoảng 6,9%.
“Vì nợ xấu tăng cao, nguồn vốn cho vay ra không quay trở lại hệ thống, ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn. Điều này sẽ khiến cho lãi suất huy động tăng lên”, TS. Hiếu nói.
Về tỷ giá, ông Hiếu cho rằng, từ nay tới cuối năm tình hình thế giới sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11.
"Trong trường hợp bà Kamala Harris thắng cử, khả năng Fed sẽ giảm lãi suất là rất lớn và tỷ giá USD/VND có thể tăng khoảng 5% vào cuối năm nay. Trong trường hợp đảng Cộng hòa thắng thế, dưới áp lực chính trị, Fed có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao và điều này sẽ gây áp lực lớn lên tỷ giá. Theo đó, tỷ giá USD/VND đến cuối năm nay có thể sẽ tăng từ 5-6%”, TS. Hiếu nhận định.
Chọn kênh đầu tư nào hiệu quả?
Đối với thị trường vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, dự báo, có thể lên mức 2.500 USD trong năm nay, và có thể lên tới 3.000 USD trong năm tới. Bởi hiện tại không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng. Tuy nhiên, vàng sẽ là kênh đầu tư nên cẩn trọng nhất vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách.
“Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ trong chương trình bình ổn giá, nhưng giá vàng nhẫn lại đang tăng mạnh, có lúc vượt giá vàng miếng, một hiện tượng bất thường và có thể là một dấu hiệu của sự biến động mới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Đối với các kênh đầu tư, thì chứng khoán là kênh đầu tư sáng nhất, đứng đầu danh mục. Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng tốt, dù chịu không ít tác động từ quyết định của nhà đầu tư nước ngoài và biến động trên thị trường tài chính thế giới. Trong nửa sau của năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn.
Các mã chứng khoán có tiềm năng vượt đỉnh bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng xanh, y tế; mã chứng khoán bất động sản nên cẩn trọng vì thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong các tháng tới, trừ trường hợp nguồn vốn từ ngân hàng đổ vào bất động sản nhiều hơn.
Tiếp đến là đầu tư bất động sản nhưng chỉ trong một vài lĩnh vực cụ thể như bất động sản tại các đô thị và công nghiệp là hai khu vực phát triển tốt nhất từ đầu năm 2024 đến nay. Dự báo, các loại hình đang phát triển này tiếp tục phát huy tốt tiềm năng trong 6 tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, bất động sản công nghiệp đang là thỏi nam châm hút tỷ USD khi đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bất động sản, nhà ở tại những thành phố lớn mặc dù giá cao nhưng nhu cầu vẫn rất lớn nên đây vẫn là kênh đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Exness Investment Bank nhìn nhận, về thị trường cổ phiếu, dòng tiền có xu hướng tập trung ở các nhóm vốn hoá lớn, các nhà đầu tư lớn sẽ luôn giữ tâm thế nắm giữ với các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia với sự bùng nổ của ngành sản xuất chip. Nhà đầu tư tổ chức lớn đang chấp nhận khẩu vị rủi ro với các tài sản mới, trong đó có tài sản số. Hơn 1.200 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF tài sản số.
"Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông và các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện, dự báo dòng vốn vào các tài sản số sẽ tiếp tục tăng. Các nhóm tổ chức tài chính cũng sẽ tham gia vào phân khúc đầu tư này", bà Nguyễn nói.