Quản lý rủi ro lãi suất và bài toán phân bổ tài sản hợp lý cho nhà đầu tư
(DNTO) - Nhà đầu tư phải đặc biệt chịu khó "ngóng" lãi suất để có chiến lược đầu tư nên có sự điều chỉnh dựa trên triển vọng phân bổ các lớp tài sản nửa cuối năm 2024. Bởi lẽ tiền gửi và trái phiếu sẽ có triển vọng phục hồi, song vàng cần cẩn trọng, còn xu hướng của cổ phiếu sẽ là duy trì.
Biến số lãi suất tác động đến toàn bộ thị trường tài sản
Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ lãi suất OMO tăng nhẹ, hầu hết lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên. Trong tuyên bố phát đi mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ không thay đổi chính sách điều hành tỷ giá, đồng nghĩa với việc NHNN vẫn kiên định chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc Fed trì hoãn giảm lãi suất hơn dự kiến, VND mất giá mạnh và rủi ro khó đoán từ các cuộc xung đột địa chính trị có thể dẫn đến rủi ro lạm phát chi phí đẩy sẽ gây áp lực hơn cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.
Trong bối cảnh trên, điều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là để giữ ổn định tỷ giá, NHNN liệu có quay đầu đảo chiều lãi suất? Giới phân tích cho rằng, khả năng giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành hiện nay phụ thuộc vào sức chống đỡ của tỷ giá. Trong vòng hơn 1 tháng qua, NHNN đã tiến hành loạt giải pháp để ghìm cơn sốt tỷ giá, bao gồm cả biện pháp hút tiền về, tăng nhẹ 0,5% lãi suất trên thị trường mở (OMO) và mạnh tay bán ngoại tệ dự trữ can thiệp thị trường.
Mặc dù đà tăng của tỷ giá đang dịu lại, song giá USD trên thị trường vẫn đang ở vùng đỉnh. Công ty cổ phần Chứng khoán BSC cho rằng, chỉ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tỷ giá mới có thể hạ nhiệt rõ rệt. Như vậy, nhiều khả năng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá vẫn sẽ neo ở vùng giá cao, nếu Fed không giảm lãi suất.
Như vậy, khả năng trong 3 tháng tới là thời điểm “dò sóng" thị trường, nhà đầu tư phải thật thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư, bởi thị trường sẽ rất khó đoán, nhiều yếu tố bất định, khả năng tăng lãi suất điều hành của NHNN vẫn khó dự đoán.
“Nhà đầu tư phải đặc biệt chịu khó "ngóng" lãi suất, bởi đây là yếu tố tác động mạnh mẽ đến toàn bộ thị trường tài sản vì có liên quan chặt chẽ đến giá vốn, tỷ giá hối đoái… Diễn biến của thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… tưởng như độc lập nhau, nhưng thực tế đều liên hệ với nhau rất mật thiết, dựa trên các chỉ tiêu vĩ mô chung, trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất là lãi suất”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định.
Bài toán thay đổi chiến lược phân bổ tài sản
Chia sẻ tại Diễn đàn tài chính mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), cho hay nếu như từ đầu năm 2023 đến nay, vàng và cổ phiếu là hai tài sản có hiệu suất tốt nhất, trong đó, vàng đóng vai trò phòng ngự, cổ phiếu là tấn công.
"Tuy nhiên nhìn về nửa cuối năm 2024, chiến lược đầu tư dựa theo dự báo của chúng tôi nhà đầu tư nên có sự điều chỉnh dựa trên triển vọng phân bổ các lớp tài sản. Bởi lẽ tiền gửi và trái phiếu sẽ có triển vọng phục hồi, song vàng cần cẩn trọng, trong quý 3/2024, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng vàng bởi tính biến động của lớp tài sản này, còn xu hướng của cổ phiếu sẽ là duy trì", ông Tuấn chỉ rõ.
Ông Tuấn phân tích, kênh đầu tư tiền gửi đã qua đáy, do đó tới đây lãi suất trên thị trường dân cư có xu hướng tăng trở lại sau các biện pháp nhằm ổn định tỷ giá của NHNN. Theo đó, các nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi để sẵn sàng cho các cơ hội trên thị trường, sử dụng tiền để tăng cường các lớp tài sản khác.
Lưu ý với nhà đầu tư cá nhân về lớp tài sản trái phiếu, vị chuyên gia cho rằng, việc đầu tư thông qua trái phiếu qua kênh phát hành ra công chúng và chứng chỉ quỹ mở trái phiếu vẫn đem lại hiệu suất tốt. Trong bối cảnh thị trường vàng và cổ phiếu theo đánh giá của ông Tuấn sẽ có những biến động khá lớn, những tài sản mang lợi tức cố định nên được gia tăng từ bây giờ cho đến nửa cuối năm.
Trong khi điều kiện để tiếp cận trái phiếu phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được xác nhận bởi công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể dễ dàng đầu tư qua các chứng chỉ quỹ mở trái phiếu. Không chỉ vậy, với các nhà đầu tư cá nhân hạn chế về thời gian cũng như kinh nghiệm trên thị trường, đầu tư qua các quỹ mở sẽ có thêm các nhà đầu tư có kinh nghiệm rà soát, đánh giá khoản trái phiếu.
Nêu quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, gợi ý 6 tháng cuối năm, mức độ mất giá của VND sẽ ít hơn, kênh đầu tư ngoại tệ cũng giảm hấp dẫn. Trong khi yếu tố lãi suất nền kinh tế hiện thấp, lý giải dòng tiền đi vào các kênh đầu tư, ngoài bất động sản, chứng khoán nổi lên có thanh khoản cao, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư trong nửa đầu năm nay.
"Tuy nhiên lướt sóng trên thị trường không phải ai cũng làm được, biến động dòng tiền giờ rất nhanh. Thời gian qua, yếu tố đầu cơ diễn ra nhiều, những mã penny, midcap nền tảng cơ bản yếu, lướt sóng rất rủi ro. Hiện nay, nên hướng đến đầu tư giá trị, cho trung dài hạn", ông Ngọc lưu ý.