Bất động sản vẫn còn nhiều vướng mắc về pháp lý
(DNTO) - Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ là 2 phân khúc có thể nói được mong chờ nhất đối với nhiều người có thu nhập trung bình, thấp. Tuy nhiên, 2 phân khúc này đang bị"trói" về mặt pháp lý nên cơ hội sở hữu nhà ở của nhiều người ngày càng xa tầm với.
Điển hình là dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, bước đầu tiên là quy hoạch về dân số, dân số tại đó quy hoạch khoảng 2000 người, dự án Lê Thành Tân Kiên xin lên thành 3.000 người, dù đã xin 3 năm qua nhưng hiện tại bước đầu tiên vẫn chưa được triển khai. Mặc dù tháng 2/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các Sở ngành hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Quy hoạch đã triển khai hỗ trợ rất tốt nhưng vẫn đang còn vướng tại huyện Bình Chánh, vì lý do cơ chế huyện này không dám quyết cho tăng thêm 1.000 dân số. Mặt khác, có dự án, công ty không sử dụng đất công, không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng vẫn bị kiểm toán rất khó hiểu.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Lê Ngọc Hoàn – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Hiện nay người lao động bình thường có thu nhập khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/tháng thật sự rất khó sở hữu được nhà tại TP.HCM. Trong khi giá nhà luôn tăng mạnh trong thời gian qua. Các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại thì thiếu, hoặc có thì chính sách mua hay cho vay quá phức tạp nên không phải ai cũng có thể mua được gây ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân lao động có thu nhập trung bình, thấp khiến cho giấc mơ sở hữu nhà của riêng họ ngày càng xa”.
Bộ xây dựng đang làm đề án nhà ở thương mại giá thấp giao động khoảng 20-25 triệu/m2. Câu chuyện của nhà ở xã hội rất rõ ràng về đối tượng được mua nhà, cơ chế giám sát và lợi nhuận của nó cũng quy định từ 10-15% tùy theo nhà ở bán hay cho thuê, nhưng giải quyết rất khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay vẫn còn một số quy định pháp luật chưa đảm bảo đầy đủ tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông. Từ tháng 12/2015 – 9/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do "trở ngại" của thủ tục đầu tư xây dựng. Song, từ nửa đầu tháng 3/2017 đến nay có khoảng 158 mặt bằng hoặc dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý đã phải dừng triển khai để thực hiện việc rà soát, kiểm tra về pháp lý. Các vướng mắc pháp lý này khiến nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm rất lớn trong các năm qua.
Việc xây dựng nhà ở thương mại giá thấp rất đáng hoan nghênh nhưng xây dựng một cơ chế như thế nào để giám sát rõ đây là nhà ở giá thấp để được hưởng ưu đãi, không bị lợi dụng mới là vấn đề.
Ông Lê Hữu Nghĩa – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ: “Tôi cho rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết được và Nhà nước nên nhanh chóng có chính sách cụ thể rõ ràng cho nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội về việc ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân được hưởng mới là cái chúng ta cần nhất”.
Mỗi một phân khúc có đối tượng khách hàng riêng cũng như doanh nghiệp có lựa chọn riêng. Vì vậy, cần giải quyết được nhiều vấn đề cho người có thu nhập trung bình. Vì có nhiều đối tượng chưa được hưởng nhà ở xã hội nhưng có phân khúc nhà ở giá thấp phù hợp cho nguồn cầu.
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là không xin được các dự án mới tại TP.HCM hay các dự án mới xin rất chậm. Trung bình trước đây 1 năm có một dự án kinh doanh, nhưng hiện nay 3 năm mới có được 1 dự án. Như vậy chi phí doanh nghiệp đang gánh rất lớn nên bắt buộc phải tăng giá thành. Nguồn cung không có, số lượng dự án ra ít nên đó nguyên nhân giá thành rất cao đối với những căn hộ đang bán cho Nhà nước, thậm chí tìm những căn hộ 25 triệu/m2 trở xuống hầu như không còn.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, đối với nhà ở thương mại giá thấp, Nhà nước nên hỗ trợ 50% tiền sử dụng đất, hay thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với nhà ở xã hội đã hỗ trợ 50% thì nhà ở giá thấp nên hỗ trợ 30%, ở mức độ tương đối phù hợp để các doanh nghiệp cùng nhau làm. Đồng thời, đối với phân khúc nhà ở cho thuê, cần có cơ chế tốt hơn nữa để có nhiều doanh nghiệp làm nhà ở cho thuê. Vì nhà cho thuê giải quyết nhu cầu cho những người chưa đủ khả năng mua nhà.
Theo ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, Chính phủ cần quan tâm hướng dẫn thêm về việc giải quyết cho chủ đầu tư được triển khai, đồng thời thủ tục xin giấy phép xây dựng và thẩm định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất. Hiện nay vẫn có quan điểm phải chờ xong tiền sử dụng đất mới cho cấp giấy phép xây dựng hoặc các vấn đề về nghĩa vụ nhà ở xã hội. Chính phủ cần xác định tiền sử dụng đất theo đơn giá đất do nhà nước quy định nhân hệ số để nhanh gọn trong quá trình xác định giá. Trong thực tế có rất nhiều dự án bất động sản vướng đất xen cài dù các chủ đầu tư đã đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ khu đất.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đề án sửa đổi luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Du lịch, Bộ luật dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông của hệ thống pháp luật.
Tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản vẫn chồng chéo, chưa đồng bộ làm cản trở thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Do đó, để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, bền vững, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải hoàn thiện thể chế pháp luật đồng bộ trong thời gian tới như luật đất đai, luật xây dựng, luật nhà ở.
2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử, các chuyên gia cho rằng, hiện nay Nhà nước nên có gói hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021, hỗ trợ khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn chứ không phải khi doanh nghiệp đã chết. Đầu tiên nên giảm phí VAT để tăng nhu cầu của người dân, kế tiếp xem xét lại vấn đề tài chính, tránh trường hợp tài chính rơi vào điểm cuối năm doanh nghiệp sẽ không trả được nợ ngân hàng. Chính vì vậy, cần có cơ chế cụ thể cho ngân hàng được phép tính toán lại câu chuyện cơ cấu cho doanh nghiệp vay tiền với lãi xuất thấp. Đồng thời, nên hỗ trợ doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, Nhà nước có thể hỗ trợ 50% chi phí bảo hiểm xã hội để người lao động tránh bị thất nghiệp.
Năm 2021 sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt bởi trong năm này nền kinh tế sẽ bật dậy rất cao và doanh nghiệp đã có một thời gian để chuẩn bị. Đồng thời có một lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn, chính vì vậy các doanh nghiệp nên chờ cơ hội đó. Đây sẽ là năm doanh nghiệp Việt có thể “biến cá thành rồng”.