Bách Hóa Xanh tăng giá và câu chuyện giữ gìn doanh nghiệp Việt
(DNTO) - Một làn sóng tẩy chay Bách Hóa Xanh ngấm ngầm trên mạng xã hội. Thực hư chuyện Bách Hóa Xanh tăng giá ra sao? Đằng sau câu chuyện này là gì?
Chuyện Bách Hóa Xanh tăng giá bán đã trở thành chủ đề nóng trên truyền thông nước nhà trong những ngày qua, khi mà từng cọng hành, mớ rau... trở nên khan hiếm và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ghi nhận của báo Tuoitre online vào ngày 14/7, tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở TP.HCM, mặt hàng rau muống hạt baby tươi có giá bán 50.000 đồng/kg; trong khi ngày thường mặt hàng chỉ khoảng 30.000 đồng/kg. Cũng theo báo này, tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, rau củ được đóng gói nhỏ xíu với mức giá còn cao hơn của Bách Hóa Xanh. Cụ thể, rau muống 300gr có giá 19.000 đồng, tính ra hơn 60.000 đồng/kg, cao hơn Bách Hóa Xanh 10.000 đồng mỗi ký.
Trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng", ngay đại diện của Saigon Co.op cũng xác nhận, giá bán một vài loại thực phẩm tại đơn vị có tăng nhẹ so với thời điểm bình thường.
Vậy tại sao chỉ mình Bách Hóa Xanh phải "chịu trận" từ làn sóng tẩy chay, sự miệt thị của người tiêu dùng trong những ngày qua?
Đừng so sánh Bách Hóa Xanh với các doanh nghiệp được trợ giá
Trả lời khách hàng, đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định, họ không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, đồng thời cho biết thêm, "không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống".
Ngày 18/7, sau buổi làm việc với Bách Hóa Xanh, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cũng khẳng định giá cả ở các siêu thị này "cũng không phải tăng quá cao", lượng hàng đảm bảo. Tuy nhiên, làn sóng phản đối của người tiêu dùng với chuỗi siêu thị này vẫn chưa dừng lại.
Theo thông báo của doanh nghiệp, nếu bình thường mỗi ngày chuỗi siêu thị cung cấp ra thị trường 500-600 tấn rau củ, thì trong giai đoạn vừa qua, như ngày 14-15/7, doanh nghiệp phải nâng con số này lên 2.100 đến 2.500 tấn, gấp 4,5 lần trước đây, và khả năng còn phải tăng nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Lượng hàng lớn như vậy, chi phí đầu vào của sản phẩm nếu nói không tăng là điều phi lý.
Trao đổi với Doanh Nhân trẻ Online, Thạc sĩ Đỗ Quỳnh Chi - Founder của VNServices nhận định, chi phí của chuỗi Bách Hóa Xanh có thể tăng, cụ thể do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, dịch bệnh làm cho chi phí trong chuỗi cung ứng tăng lên, như thời gian vận chuyển kéo dài dẫn đến tăng chi phí vận chuyển, bên cạnh đó các chi phí xét nghiệm, cách ly cho nhân viên… cũng góp phần làm chi phí của doanh nghiệp bị tăng lên.
Thứ hai, chi phí nhân công gia tăng do bố trí nhân sự làm tăng ca để phục vụ khách hàng do có những cửa hàng mở thâu đêm, nhu cầu mua hàng thì quá tải, dồn dập trong một thời gian ngắn.
Cuối cùng, do nhu cầu hàng hoá tăng mạnh có thể tạm thời ảnh hưởng ngay đến giá vốn hàng hoá cung ứng. Chợ truyền thống đóng cửa nhưng nhu cầu dự trữ hàng của người dân lại tăng mạnh, nhiều nơi cách ly dẫn đến càng hạn chế nguồn cung. Do đó theo cơ chế thị trường, đầu vào tăng thì đầu ra tăng là không tránh khỏi.
Cũng theo bà Đỗ Quỳnh Chi, việc so sánh Bách Hóa Xanh với một vài doanh nghiệp bán lẻ lớn là không hợp lý. Bởi hiện có một vài doanh nghiệp đang được trợ giá của nhà nước, hay một số khác là doanh nghiệp nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện sẽ được ưu đãi về thuế nhiều hơn khi nhà nước thu hút vốn đầu tư, vì vậy sự cạnh tranh của Bách Hóa Xanh sẽ trở nên yếu thế.
"Khách hàng muốn Bách Hóa Xanh phải giữ nguyên giá ngày thường, thậm chí giảm giá cũng là điều dễ hiểu trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Thế nhưng Thế giới di động cũng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường với hàng chục ngàn nhân viên. Họ đầu tư để có được chuỗi Bách Hóa Xanh phủ rộng nhiều nơi, thuận tiện cho mua sắm. Vậy người tiêu dùng có được sự tiện ích hơn thì việc chấp nhận chi phí tăng cao hơn cũng là điều hợp lý", bà Chi nêu quan điểm.
Đừng giết chết doanh nghiệp Việt
Câu chuyện về không ít doanh nghiệp Việt "chết yểu” ngay trên chính sân nhà không còn xa lạ, sau đó "sân chơi" sẽ thuộc về một vài “ông lớn” nước ngoài nào đó. Miếng bánh thị phần tăng chậm, khi người này đã giành được thì người kia chỉ có thể ra đi.
Thị trường bán lẻ trong nước từng nằm trong tay nhiều đại gia ngoại, Bách Hoa Xanh chỉ là một tân binh mới, lại là "của nội" chính gốc, rủi ro không phải là ít.
Thực tế, ngay khi thị trường bình ổn, giá mặt hàng rau củ quả tại chuỗi siêu thị lại giảm về mức phù hợp, thậm chí có mặt hàng còn rẻ hơn vài ngàn so với một vài chuỗi siêu thị khác.
Bách Hóa Xanh phải tăng giá, xét cho cùng cũng là việc chẳng thể đừng. Hay ngay như việc tính nhầm giá cho khách hàng, ghi nhầm giá bán... cũng là chuyện khó tránh khi mà áp lực công việc tăng lên gấp nhiều lần với nhân viên của họ trong những ngày qua.
Khi ai đó định tẩy chay một thương hiệu, chắc chắn đó là quyền cá nhân của họ. Nhưng quan trọng nhất, mỗi người hãy nhìn nhận vấn đề phải thật đúng tình hợp lý. Dịch bệnh đang khiến nền kinh tế nước nhà oằn mình gánh chịu thiệt hại. Sự yêu thương, cảm thông đang cần hơn bao giờ hết.
"Tôi chỉ muốn nói rằng, hãy nhìn nhận thật khách quan, đừng vì cảm xúc trong lúc tức giận hay hùa theo đám đông mà bạn lại vô tình vùi dập doanh nghiệp Việt", bà Chi nêu quan điểm. Và đặc biệt, theo bà: "Ủng hộ doanh nghiệp Việt là một cách để bạn giữ lại tiền cho đất nước, không để tiền chảy ra ngoài, để kinh tế của chính đất nước chúng ta tăng trưởng hơn".
Thế giới di động vẫn đặt mục tiêu cho Bách Hóa Xanh phải có doanh thu 30.000 tỷ đồng cho riêng năm nay, và trong tương lai sẽ trở thành trụ cột chính doanh thu của công ty. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả, mà quan trọng nhất với Bách Hóa Xanh, họ sẽ lấy lại ngành bán lẻ về cho Việt Nam trong 5-7 năm tới…
Hy vọng những tham vọng đẹp của họ sẽ sớm trở thành hiện thực. Và người Việt Nam trong tương lai sẽ có nhiều điều hơn để tự hào.