Thế giới Di động lãi gần 1.700 tỷ sau 4 tháng
(DNTO) - Dù phải đóng hơn 600 cửa hàng trong tháng 4 vì dịch Covid-19, cả doanh thu và lợi nhuận của Thế giới Di động vẫn tăng trưởng dương, đóng góp vào khoản lãi ròng gần 1.700 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm với khoản lãi ròng tăng hai chữ số so với cùng kỳ.
Cụ thể, sau 1/3 năm tài chính 2021, toàn chuỗi bán lẻ của Thế giới Di động ghi nhận 40.449 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 9% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận sau thuế công ty này thu về cũng đạt 1.691 tỷ, tăng 26%. Với kết quả này, nhà bán lẻ điện thoại, điện máy này đã hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tăng doanh thu từ Iphone
Tính riêng tháng 4, doanh thu thuần toàn chuỗi bán lẻ này đạt cũng 9.620 tỷ và thu về 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 23% và 69% so với cùng kỳ. Thậm chí, mức tăng trưởng này còn bị ảnh hưởng do tháng 4 công ty lần đầu tiên phải đóng hơn 600 cửa hàng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước để phối hợp chống dịch.
Nếu so với tháng liền trước, doanh thu và lợi nhuận của Thế giới Di động cũng tăng lần lượt 6% và 4%.
4 tháng qua, hầu hết mảng kinh doanh của công ty đều ghi nhận tăng trưởng dương. Trong đó, doanh thu mảng điện thoại của chuỗi Thegioididong.com đã tăng hai chữ số nhờ sự đóng góp lớn từ các sản phẩm Iphone. Nhóm ngành điện lạnh và gia dụng duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Lãnh đạo Thế giới Di động cho biết với hơn 850 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, ngành hàng này đã mang về hơn 670 tỷ sau khi bán được khoảng 540.000 sản phẩm, tăng lần lượt 50% về doanh thu và 100% về số lượng so với cùng kỳ.
Ngành hàng ghi nhận tăng trưởng âm trong kỳ này là máy tính xách tay. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do nền so sánh cao đột biến trong tháng 4/2020. Ngoài ra, các sản phẩm điện tử tiếp tục ghi nhận sức cầu yếu do các hoạt động thể thao lớn chưa được tổ chức.
Ban lãnh đạo cho biết trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu, công ty đang chủ động tăng tồn kho các sản phẩm công nghệ - điện máy để tránh rủi ro thiếu hàng. Đặc biệt, do là nhà bán lẻ số 1 với năng lực tài chính lớn, công ty có lợi thế lớn khi làm việc với các nhà cung cấp để tích trữ nguồn hàng, đảm bảo doanh thu và tiếp tục gia tăng thị phần.
Trong cơ cấu doanh thu theo chuỗi, Điện máy Xanh vẫn chiếm đa số với 53,2% doanh thu hợp nhất và tăng 3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là chuỗi Thegioididong.com tăng 5%, đóng góp 26,8%.
Chuỗi Bách hóa Xanh 4 tháng qua ghi nhận hơn 8.000 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 20% và tăng 31% so với cùng kỳ. Đây cũng là chuỗi có tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Một số chỉ tiêu khác của chuỗi bách hóa cũng khởi sắc trong tháng như biên lợi nhuận gộp sau hủy hàng và mất mát đạt 26%, tăng 0,5% so với bình quân quý I. Dự kiến, đến cuối năm nay công ty có thể nâng biên lợi nhuận gộp lên 27% thông qua thương thảo lại với các nhà cung cấp và gia tăng đóng góp của nhóm hàng nhập khẩu, độc quyền.
Thế giới Di động đi bán xe đạp
Với chuỗi nhà thuốc An Khang, đến cuối tháng 4, công ty sở hữu 86 nhà thuốc đang hoạt động, trong đó 71 điểm bán được sắp xếp cùng mô hình Bách hóa Xanh diện tích lớn. Doanh thu chuỗi nhà thuốc này cũng đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn này.
Thế giới Di động cho biết đã thử nghiệm bán thêm sản phẩm xe đạp tại một số cửa hàng Điện máy Xanh từ tháng 5. Đồng thời công ty cũng triển khai mô hình đại lý với các cửa hàng nhỏ lẻ tại những nơi không đủ nhu cầu để mở cửa hàng di động và điện máy. Các hoạt động này dự kiến mang về doanh thu ngay trong tháng 5 và đóng góp vào tăng trưởng của công ty.
Theo các chuyên gia của SSI Research, Thế giới Di động bán các sản phẩm xe đạp tại một số cửa hàng Điện máy Xanh nên sẽ không mất thêm chi phí cố định cho ngành hàng này. Hiện nhu cầu xe đạp trong nước vào khoảng 2,5 triệu chiếc/năm, trong khi giá bán từ 2-2,5 triệu đồng/chiếc, như vậy, tổng quy mô thị trường vào khoảng 5.000-6.000 tỷ/năm.
Trong thời gian thử nghiệm, Thế giới Di động đã bán được từ 15-16 chiếc/cửa hàng/ngày trong tuần đầu tiên. Đây là kết quả tích cực với một ngành hàng mới.
Theo SSI Research, khách hàng mua xe đạp của Thế giới Di động chủ yếu là trẻ em, đối tượng công ty chưa phục vụ nhiều. Vì vậy, bằng cách bán xe đạp, công ty có thể tăng lượng khách hàng mới.
Tại thị trường trong nước, hiện chỉ có một số chuỗi cửa hàng xe đạp (khoảng 5 cửa hàng), trong khi phần lớn xe đạp được bán bởi các cửa hàng nhỏ lẻ, chủ yếu cạnh tranh về giá. Đây có thể coi là lợi thế của Thế giới Di động trong việc chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.
Tính đến cuối tháng 4, Thế giới Di động đang sở hữu 4.354 cửa hàng bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa. Trong đó, số Thegioididong.com có 923 cửa hàng, tăng 14 điểm; Điện máy Xanh có 1.628 cửa hàng, tăng 75 điểm; và Bách hóa Xanh ghi nhận 1.803 cửa hàng, tăng 36 điểm so với cuối tháng 3.