Ấn Độ lắp đặt hệ thống tháp lọc không khí ô nhiễm ở New Delhi
(DNTO) - Để đối phó với tình trạng ô nhiễm quá mức ở New Delhi, Ấn Độ, một mạng lưới tháp lọc tiên tiến đột phá đã và đang được hình thành: sử dụng 40 chiếc quạt khổng lồ để lọc sạch không khí quanh mỗi vùng có bán kính 0,4 dặm vuông.
Chất lượng không khí là một vấn đề lớn ở New Delhi, thủ đô nước Ấn. Nơi đây bị ô nhiễm quá mức, đến nỗi vào năm 2019 chính Thị trưởng Arvind Kejriwal đã phải dùng một từ khá gắt để gọi thành phố này, "buồng hơi ngạt". Mong muốn giải quyết tình trạng trên, gần đây chính quyền đã vận hành một giải pháp khá lạ, là cứ mỗi vùng có bán kính 0,4 dặm vuông ở đây, một máy lọc khí khổng lồ được tạo ra từ 40 chiếc quạt được lắp đặt. Dựa vào hình thù khá dị của chúng, thị dân New Delhi đã gọi thiết bị ấy bằng những cái tên thật tượng hình: “hệ thống tháp khói” hay “tháp sương mù”.
Thế nhưng ngay trong nỗ lực này cũng có những râm ran trái chiều trong cả dân chúng lẫn giới chuyên môn. Về phần những người chỉ trích – phần nhiều thuộc nhóm đối lập chính trị với Thị trưởng thành phố, họ nhận định chính phủ nên tập trung vào việc giảm lượng khí thải thay vì xây dựng các tháp khói, vừa gây rối mắt cảnh quan đô thị vừa ngốn ngân sách. Còn một số dân khoa học trong nghề lại không tin rằng hệ thống có hiệu quả.
Về nguyên lý hoạt động, mỗi “Tháp sương mù” cao gần 25m sử dụng 40 chiếc quạt khổng lồ chứa 5.000 bộ lọc này sẽ hút rồi lọc không khí ô nhiễm từ trên xuống, sau đó bơm đẩy ra từ phía dưới, với công suất lọc được khoảng 10.000 m khối không khí bẩn mỗi giây. Dù có nhiều tranh cãi, nhưng chính quyền Ấn Độ vẫn quyết thực hiện cho được, và lễ khánh thành công trình sẽ thử nghiệm tính hiệu quả trong hai năm vừa qua đã diễn ra rất hoành tráng.
Theo báo cáo từ IQAir, một tập đoàn giám sát mức chất lượng không khí của Thụy Sĩ, New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong ba năm qua, chiếm phần lớn tổn thất nhân mạng trong số 1,67 triệu ca tử vong vì lý do này tại cả đất nước sông Hằng mỗi năm. IQAir đo chất lượng không khí dựa trên thang chỉ số PM, mà thủ đô Ấn lại vượt ngưỡng an toàn PM2.5 tới 20 lần, tức các hạt mịn trong không khí gây viêm phổi và đường hô hấp sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Với lượng chỉ số không khí tổn hại như thế, các chuyên gia cho rằng thành phố sẽ cần ít nhất 213 tháp khói để giải quyết vấn đề ô nhiễm. Nhưng những nhà phê bình lại xem biện pháp sử dụng hệ thống tháp khói là vô ích, tốn kém và lãng phí. Họ cho đó là một thứ hỏa mù để che lấp đi giải pháp thực sự cần thực hiện cấp bách mà chính quyền né tránh làm là hạn chế khí thải.
Tanushree Ganguly người đứng đầu nhóm đối lập cho biết, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh các tòa tháp có thể giảm thiểu mức độ ô nhiễm một cách hiệu quả. Mức giá đầu tư 2 triệu USD cho mỗi tháp khói lại là một mối quan tâm khác đối với Dipankar Saha, cựu giám đốc Ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương của Ấn Độ. Theo ông, với kế hoạch này, thủ đô đang ngốn mất nhiều ngân sách dành cho xử lý ô nhiễm khí thải toàn quốc một cách không công bằng.
Thật ra dẫu sao những đầu óc của các giới chức như Thị trưởng Arvind Kejriwal vẫn lạc quan và tin tưởng, khi họ dẫn chứng thành công của biện pháp này khi đối phó với tình hình môi trường tương tự ở xứ bạn. Bởi năm 2018, Trung Quốc cũng đã xây dựng kiểu tháp khói tương tự, một máy lọc không khí cao gần 100m ở thành phố Tây An. Các nhà chức trách Trung Hoa đại lục đến nay vẫn đang tiếp tục đánh giá hiệu quả của nó, nhưng những kết quả sơ bộ cho thấy giải pháp đã hứa hẹn hiệu quả đầy tiềm năng.