524 doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022
(DNTO) - 524 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2022 do người tiêu dùng bình chọn.
Đại diện Hội doanh nghiệp HVNCLC cho biết tại buổi họp báo lễ công bố HVNCLC 2022 diễn ra sáng nay 22/3.
Theo đó, cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2022 được Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức thực hiện trong hơn 2 tháng, từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022. Kết quả sơ bộ có 689 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn HVNCLC 2022. Danh sách sơ bộ này đã được công bố trên Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và các cổng thông tin của Hội từ cuối tháng 1/2022.
Tiếp tục quy trình, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu, trong đó có việc tiếp nhận hồ sơ minh bạch của doanh nghiệp, gửi thư tới các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tại địa phương liên quan để ghi nhận thông tin chính thức về tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp (về chất lượng, môi trường, sử dụng lao động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…).
Kết quả, Hội Doanh nghiệp HVNCLC công bố có 524 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC 2022 do người tiêu dùng bình chọn.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC cho biết, trong danh sách HVNCLC năm 2022, xuất hiện thêm những đơn vị đạt chứng nhận OCOP.
Cũng tại buổi họp báo, một số thông tin từ kết quả cuộc khảo sát HVNCLC 2022 đã được công bố.
Cụ thể, trong hơn 2 tháng, từ tháng 11/2021 – tháng 1/2022 hơn 100 phỏng vấn viên trên toàn quốc cùng với 30 quản lý, giám sát vùng. Kết quả có 2.830 doanh nghiệp được nhắc tên trong tất cả các nhóm sản phẩm, với gần 30.000 lượt bầu chọn. 689 doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ người tiêu dùng bầu chọn thuộc 49 tỉnh/thành; trong đó có 87 doanh nghiệp mới đạt lần đầu và 95 doanh nghiệp tạm rời khỏi danh sách bình chọn năm 2020.
Đặc biệt, có 36 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn liên tiếp 26 năm.
Nhóm doanh nghiệp mới đạt lần đầu (mới nổi) tập trung hơn nhóm doanh nghiệp thực phẩm, có sản phẩm tiêu biểu trên thị trường (đạt Ocoop 5*, khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong thực hành sản xuất).
Ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bầu chọn cao nhất (8,9%) là nước chấm – gia vị; kế đến là ngành thực phẩm khô – đồ ăn liền (7,7%); ngành đạt tỷ lệ bầu chọn thấp nhất là dụng cụ làm đẹp (0,3%).
So với kết quả khảo sát cuối năm 2020, kết quả khảo sát năm cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành (thuộc top 5 hoặc top 10) có thứ hạng về thứ tự gần tương ứng với kết quả bình chọn 2020, tuy nhiên những doanh nghiệp thuộc tầng 2 (sau top 10) thì có sự xáo trộn đáng kể về thứ hạng theo tỷ lệ ghi nhận bình chọn.
Cuộc khảo sát cũng ghi nhận sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua. Số lượng cửa hàng bán giảm nhiều so với trước thời điểm bùng phát dịch, một số khu vực (địa bàn khảo sát) nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa (do tình hình dịch bệnh) ngay tại thời điểm khảo sát, mặc dù đây là thời gian đã áp dụng các biện pháp thích ứng linh hoạt công tác phòng chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”.
Mức độ phân phối sản phẩm và mức độ mua của người tiêu dùng đều giảm (mua có kế hoạch). Cụ thể, giỏ hàng của người tiêu dùng nhiều khi có tăng về khối lượng nhưng ít về số lượng (món mua) – chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cũng chỉ thường lựa chọn sản phẩm của một vài công ty, hay thương hiệu nhất định. Tần suất mua của người tiêu dùng cũng giảm, và chi tiêu hạn chế.
Thị trường vẫn còn quá khó khăn, người bán ế ẩm; hàng hóa của doanh nghiệp vẫn bị tồn đọng (tồn kho); một số doanh nghiệp thuộc các mặt hàng bán chạy lại chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân công do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất cầm chừng hiện vẫn còn khá phổ biến.
Kết quả cuộc khảo sát cũng ghi nhận việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo “xanh” và “sạch”. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng và an toàn đối với sức khỏe đang là một xu hướng nổi bật hiện nay.
Ngoài ra, họ cũng rất mong đợi có được sự thuận tiện trong tiêu dùng ngay từ việc tiếp cận sản phẩm. Trong thời điểm dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì sản phẩm của các công ty có uy tín, sự thuận tiện trong tiếp cận được người tiêu dùng quan tâm hơn.
Mua sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện nay. Trong đó, phải ghi nhận sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử.