Hàng hóa rủ nhau tăng giá
(DNTO) - Trước áp lực giá xăng dầu tăng liên tiếp 7 lần, giá gas và nguyên vật liệu cũng tăng, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều rủ nhau tăng giá.
Theo đó, giá các loại mì tôm như Hảo Hảo, Đệ Nhất, Omachi… đã tăng 1.000-2.000 đồng/gói; các loại dầu ăn tăng từ 1.000 đồng/chai 1 lít trở lên tùy loại; mỗi bao đường 10 kg tăng thêm 80.000-100.000 đồng...
Bà Nguyễn Thị Loan, chủ tiệm tạp hóa trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, sau đợt tăng giá xăng ngày 11/3, hàng hóa đồng loạt lên giá. Chai dầu ăn Cooking Oil, Tường An tăng 1.000 đồng/chai 1 lít, lên mức 35.000 đồng/chai; dầu ăn Meizan Gold, Cái lân, Orchild, Simply, Neptune... tăng 2.000 đồng/lít.
Tại một số chợ như chợ Trần Văn Quang, chợ Ông Địa (quận Tân Bình), giá rau xanh tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại.
Trước đó, trả lời Tạp chí Doanh Nhân Trẻ, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, kể từ năm 2021, giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đến mức doanh nghiệp dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được.
Vì vậy, Acecook Việt Nam đã phải tiến hành tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1/3/2022, tỷ lệ tăng giá khác nhau tùy theo sản phẩm.
Từ ngày 1/3 Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị độc quyền nhập khẩu và phân phối sữa Abbott, Mỹ cũng đã tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure.
Trước đó, từ ngày 15/2 Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đã tăng giá trong giới hạn 5% 21 sản phẩm sữa bột Frisolac và Friso cho trẻ dưới 6 tuổi.
Hôm qua, 14/3, tại buổi họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết hệ thống phân phối đang đối diện với áp lực tăng giá một số mặt hàng, vì liên quan đến nhiều yếu tố, chủ yếu liên quan đến đà tăng của chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu, bao bì…
Tuy nhiên, các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, siêu thị mini...) có giá cả tương đối ổn định và thống nhất. Một số nhà cung cấp đã đề xuất điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng nhưng các hệ thống đang xem xét và chưa chấp thuận điều chỉnh.
Cũng theo ông Phương, TP.HCM có chương trình bình ổn giá, các hệ thống cam kết các mặt hàng, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu một tháng trước và một tháng sau tết sẽ được giữ ổn định. Vì vậy, từ nay đến cuối tháng 3/2022, giá cả các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường của các hệ thống phân phối sẽ vẫn giữ nguyên giá.
Ông Phương cũng cho biết, tại các chợ truyền thống, có sự điều chỉnh liên tục tùy theo nguồn cung và số lượng. Những ngày gần đây, các mặt hàng tươi sống, rau củ, quả tăng lên do liên quan chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu... tăng.
Từ nay đến hết ngày 23/3, tại các siêu thị GO!, Big C, Tops Market thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam sẽ áp dụng chương trình “Siêu tiết kiệm” – mua nhiều giảm nhiều, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu do những tác động từ việc tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Cụ thể: Tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc, áp dụng “Siêu tiết kiệm”, giảm giá đến 50% đối với 390 sản phẩm: thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang… tổng trung bình giá giảm của đợt này lên tới 41%; tại chuỗi siêu thị Tops Market, chương trình “Siêu tiết kiệm” áp dụng giảm giá tới 50%, mua 2 tặng 1 & giảm giá 50% khi mua sản phẩm thứ 2 (áp dụng cho sản phẩm bất kì cùng giá). Theo đó, tổng cộng hơn 400 sản phẩm được áp dụng cho chương trình này, bao gồm: rau củ xanh, thịt cá tươi...
Sàn thương mại điện tử Tiki vừa ra mắt biểu giá vận chuyển mới, áp dụng từ 8/3/2022. Theo đó, biểu phí mới của sàn này được điều chỉnh thấp hơn 40% so với biểu phí cũ. Ví dụ, phí đơn hàng nội thành trong 3km đầu tiên đã giảm từ 14.000 đồng xuống còn 10.000 đồng; Tiki giao nhanh trong vòng 2g giảm từ 29.000 đồng xuống còn 19.000 đồng...