Zoom thâu tóm thêm một công ty khởi nghiệp mới để phát triển cơ đồ
(DNTO) - Trong tình thế phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ, Zoom đã quyết định mua lại công nghệ thông tin Karlsruhe chuyên về chuyển ngữ và sử dụng máy học, để có thể tạo ra các bản dịch theo thời gian thực nhằm cải thiện năng suất cho các cuộc họp video.
Công ty phát triển phần mềm hội họp video Zoom đã công bố quyết định mua lại Karlsruhe Information Technology của một start-up Đức chuyên về kỹ năng phiên âm và dịch thuật tức thời tại chỗ bằng công nghệ máy học. Quan hệ đối tác này sẽ giúp triển khai phong phú các tính năng dịch máy vào nền tảng hội họp của Zoom.
Karlsruhe Information Technology, hay còn gọi theo tên tắt là KITE, do khoảng một chục nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Karlsruhe sáng lập. Với mục tiêu tìm kiếm những cách thức mới để cải thiện năng suất trong các cuộc họp, đảm bảo sự hài lòng cao hơn cho tất cả người dùng, KITE giới thiệu các giải pháp mới tập trung vào dịch máy, xem đó là chìa khóa để cải thiện ứng dụng cho khách hàng trên toàn thế giới. Công nghệ này ban đầu vốn được phát triển để hoạt động như một bản dịch trong lớp học cho những sinh viên cần trợ giúp để hiểu tiếng Anh hoặc tiếng Đức mà các giáo sư học viện giảng dạy.
Việc mua lại công nghệ đặc biệt hữu ích này có thể giúp Zoom bám đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhất là Cisco, công ty vừa tích hợp tính năng dịch thời gian thực tương tự vào phần mềm Webex họ có. Điều này rất quan trọng, bởi dù Zoom đã được chấp nhận rộng rãi như là ứng dụng hữu hiệu hỗ trợ các cuộc gọi điện, họp hành, chia sẻ video trong thời kỳ đại dịch, các dịch vụ cạnh tranh khác cũng đang “hà hơi vào gáy” Zoom khi sở hữu nhiều tính năng phù hợp tương đương, hoặc thậm chí vượt mặt.
Có trong tay vũ khí xây dựng bản dịch và phiên âm thời gian thực bằng công nghệ AI của KITE, Zoom sẽ bổ sung khả năng dịch thuật vào ứng dụng hội nghị truyền hình, đồng thời giúp các thành viên một cuộc họp giao tiếp với những người nói các ngôn ngữ khác nhau dễ dàng hơn.
Thật ra phần mềm Zoom cũng đã có sẵn phiên bản ghi âm cuộc họp thời gian thực, nhưng chỉ giới hạn cho những người đang trò chuyện giao tiếp trực tuyến bằng tiếng Anh. Lại nữa, Zoom cũng thú nhận tính năng phiên âm trực tiếp hiện tại mà phần mềm của họ sở hữu không thể đáp ứng tốt các yêu cầu nhất định về độ chính xác.
Các chuyên gia nhận định, sự phát triển như vũ bão nhờ tận dụng thời cơ dịch dã của Zoom e rằng khó thực sự bền vững khi phải đối đầu một số khó khăn trước mắt. Thứ nhất, khi dịch được kiểm soát nhờ việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 rộng rãi, các trường học được khuyến khích mở cửa trở lại, nhiều công ty đưa nhân viên rời nhà quay về văn phòng làm việc, nhu cầu dùng Zoom có lẽ sẽ bắt đầu ít dần.
Thứ đến, hiện nay Zoom đang chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt từ các dịch vụ nền tảng cũ cùng chung mục đích đối phó tình trạng giãn cách phong tỏa vì dịch, như Cisco Webex, Microsoft Teams hay Google Meet, đặc biệt là khi các ứng dụng này cũng tăng tốc giành giựt cho được những hợp đồng lớn hơn từ các doanh nghiệp.
Cuối cùng, thời gian qua ứng dụng Zoom đang bị liệt vào danh sách đen khi liên tiếp để xảy ra hàng loạt bê bối bảo mật, từ việc bị hacker tấn công thẳng vào giữa các cuộc họp, hội nghị, đến bị những hình ảnh, video dung tục thâm nhập ngoài vòng kiểm soát. Ngay cả chính Giám đốc Tài chính của Zoom, Kelly Steckelberg, cũng phải dự báo trước về sự sụt giảm doanh thu vào cuối năm nay.
Thế nên, đằng nào Zoom cũng phải chèo chống bằng những cải tiến, cập nhật, đổi mới từ những nguồn tài nguyên khác. Ngoài động thái mua lại công nghệ của KITE, gần đây nhất, công ty đã thâu tóm nhà sản xuất phần mềm trung tâm cuộc gọi Five9 với giá 14,7 tỷ USD. Với những thương vụ lớn như vậy, Zoom đang nỗ lực mở rộng các dịch vụ để tồn tại và duy trì vị thế đang có.