Xuất khẩu kỳ vọng 'lội ngược dòng' nhờ triển vọng từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng về Việt Nam
(DNTO) - Nhiều khó khăn, bất lợi khiến xuất khẩu nửa đầu năm hụt hơi gần 23 tỷ USD, để đạt mốc tăng trưởng 6% trong năm nay, nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm là khá nặng nề. Tuy vậy, vẫn có những kỳ vọng sớm cải thiện chỉ dấu xuất khẩu trong các tháng tới.
Xuất khẩu hàng hóa - một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ, so về trị giá xấp xỉ 23 tỷ USD, là con số không hề nhỏ, gần bằng kim ngạch xuất khẩu của 1 tháng.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chỉ 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%...
Theo các chuyên gia, lo ngại với các ngành hàng xuất khẩu trong nước là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư nhà máy sản xuất ở một số nước như Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của hàng Việt Nam tại các thị trường này.
Chưa kể, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, dẫn tới giá hàng giảm do cạnh tranh lớn ở các nước xuất khẩu. Thêm vào đó, các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các khách hàng ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh và bền vững.
Tuy vậy, vẫn có những "cửa sáng" kỳ vọng sớm cải thiện sản xuất, xuất khẩu trong các tháng tới, ngoài các chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn từ Chính phủ, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng về Việt Nam đang được kỳ vọng là chỉ dấu tích cực cho sự phục hồi này.
Tại Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo (MTA Vietnam 2023) diễn ra mới đây, bà Karen Yu, Giám đốc Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tại Tp.HCM, nhận định Việt Nam sẽ vẫn là thị trường phát triển nhanh, các doanh nghiệp ở đây đang có nhiều cơ hội phục hồi sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo bà Karen Yu lý giải, các lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đang là "đích ngắm" của các nhà cung cấp máy móc tại Đài Loan, nhất là cần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng các loại máy móc có những công nghệ, giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Việt Nam đang chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều mà các doanh nghiệp Việt cần trong lúc này là làm sao đầu tư được các loại máy móc mới có tính chất tự động hóa để phục vụ sản xuất tốt hơn, nhanh hơn, cho ra sản phẩm với giá thành rẻ hơn, nhằm tăng sức cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu và cả trên thị trường nội địa", bà Karen Yu cho hay.
Là một nhà cung cấp máy móc tự động hóa hàng đầu châu Âu cho các doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Việt, Tổng giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam, nhận định thị trường Việt Nam nắm giữ "chìa khóa" để mở ra các cơ hội cho mô hình Nhà máy thông minh ở Đông Nam Á.
“Nhất là khi bối cảnh công nghiệp của Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc, rất cần hỗ trợ tối đa cho nền công nghiệp địa phương với các giải pháp toàn diện và công nghệ tiên tiến, trong đó có việc tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng suất và dẫn đầu trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu”, ông Việt nói.
Mới đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MayBank (MBKE) cũng đưa ra những nhận định về triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm 2023. Trong đó lưu ý, việc tái cấu trúc chuỗi sản xuất cung ứng hướng về Việt Nam sẽ là tạo "bệ phóng" cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong sản xuất, xuất khẩu khi nhu cầu toàn cầu tăng lên do năng lực sản xuất cao hơn.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì được hưởng lợi trước động lực ngày càng tăng đối với việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Dòng vốn FDI được dự đoán sẽ mang lại “làn gió mát” cho chuỗi cung ứng, để thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu khi nhu cầu toàn cầu tăng lên.