Vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm: ‘Luật pháp chưa hoàn chỉnh, đừng bắt tội nhà đầu tư’

(DNTO) - Theo TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp, pháp luật không cấm việc doanh nghiệp bỏ cọc, chấm dứt hợp đồng. Các bên có quyền ký, và có quyền hủy. Hiện tại, pháp luật đã có cơ chế, chế tài để xử lý việc này.

TS. Dương Đăng Huệ cho rằng, các quy định còn nhiều hạn chế, chưa bám sát với thực tế. Trong thời gian sắp tới, cần tăng cường nghiên cứu, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phạt nghiêm khắc hơn về kinh tế.
Ông nêu giải pháp: “Nếu việc doanh nghiệp mất tiền cọc là không đủ, theo tôi, cần phải bổ sung việc phạt hành chính theo phần trăm trên hợp đồng đã ký, giá đã trúng đấu giá (khoảng 10%)”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, quy định pháp luật đủ chế tài để nhà đầu tư không bỏ cọc. Hoạt động đấu giá của chúng ta không có gì sai, doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng không vi phạm pháp luật.
PGS Nguyễn Định Thọ nhấn mạnh: Theo quy định hiện hành, chúng ta có thể tổ chức đấu giá có điều kiện, doanh nghiệp cần có năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án mới được tham gia đấu giá. Luật Đấu giá tài sản quy định rõ, tiền đặt trước của nhà đầu tư tối đa 20% so với giá khởi điểm. Sau khi trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước sẽ được chuyển thành đặt cọc để thực hiện giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, quy chế đấu giá có thể quy định, khi doanh nghiệp trúng đấu giá thì phải nộp đủ 20% so với giá đã bỏ (không phải giá khởi điểm) ngay sau khi trúng đấu giá mới được ký hợp đồng. Vì vậy, có thể đã đủ chế tài buộc nhà đầu tư thực hiện hợp đồng chỉ cần thực hiện trong quy chế đấu giá.
Cùng với đó, hiện nay quy định chậm nhất sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất và sau 90 ngày phải nộp đủ 100% dẫn tới tình trạng trì hoãn, đợi giá đất lên hoặc nếu giá đất giảm thì bỏ cọc. Điều này có thể điều chỉnh lại để phù hợp với thực tiễn.
“Trong vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm có phân tích nhiều tác động tới giá bồi thường, mặt bằng giá, gây nhiễu loạn thị trường nhưng đó không phải lỗi của nhà đầu tư mà do cơ quan quản lý. Theo quy định trước 1 năm thực hiện dự án thì bồi thường cho người dân”, PGS Thọ nói.
PGS Thọ phân tích: “Về giá đất Thủ Thiêm, thực tế thế giới, tại Hong Kong, có vị trí định giá lên tới 3,1 tỷ đồng/1m2. Vậy nhỡ Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính thế giới như Hong Kong thì mức giá 2,4 tỷ/m2 không thể nói là vô lý. Có thể nói, đấu giá để thu tiền cao nhất là không có gì sai. Trong thời gian tới, yêu cầu công khai dữ liệu đất đai là ưu tiên hàng đầu, từng miếng đất phải được định danh, cần đủ tình trạng pháp lý, giá đất đấu giá, giá đất thường xung quanh, khi giao dịch thì lưu giữ các lịch sử”.
Về đề xuất thêm chế tài cấm doanh nghiệp tham gia đấu giá tham gia 5 năm sau khi bỏ cọc là không khả thi, vì họ sẵn sàng thành lập doanh nghiệp khác để đi đấu giá nên quy định để doanh nghiệp mất cọc khi bỏ cọc là đã đủ.
“Có thể nói quy định hiện hành là đầy đủ để các địa phương cho doanh nghiệp tham gia đấu giá, để doanh nghiệp không bỏ cọc. Và không thể nói theo cách giá một khu đất tăng quá mạnh sẽ tác động tới giá đất của cả nước. Điều đó chỉ có giá trị thời điểm, rồi tất cả sẽ quay về giá thị trường”, ông nói thêm.

Quá nhiều lùm xùm quanh vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: T.L
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến bày tỏ: Đúng là hệ thống pháp luật của chúng ta đã có cơ chế. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra ở đây, chính là với hệ thống như vậy, khi áp dụng vào thực tế, thì có hiệu quả hay không.
“Tại sao cơ chế đầy đủ rồi, nhưng khi áp dụng lại không thể đạt được những mục đích của việc tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp đấu giá cao, nhưng nhà nước về cơ bản chỉ thu được tiền cọc. Tôi cho rằng, nhân dịp này, chúng ta cần phải rà soát lại, nếu quy định nào chưa phù hợp thì sửa đổi, bổ sung. Nếu không làm sớm, chắc chắn, những câu chuyện như vậy sẽ còn tái diễn. Cụ thể, hiện tại quy định về giá đất trong luật đất đai có những bất cập, đây là điểm trừ lớn, trong đó bao gồm hình thức quy định giá đất”, ông nói.
Ông nêu dẫn chứng: Trước đây, giá đất quy định phải sát với giá thị trường. Tuy nhiên, giờ đây, giá đất quy định phải phù hợp với giá chuyển nhượng thị trường. Đây là một hình thức thiên về định tính hơn là định lượng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không có hệ thống kiểm định thông tin thị trường. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần sớm thành lập một cơ quan thẩm định độc lập để xác định giá đất nhằm tránh được những bất cập hiện hữu.