Việt Nam chuẩn bị cấp 'hộ chiếu vaccine' với người nhập cảnh
(DNTO) - Việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đi, đến Việt Nam cần thiết. Để đảm bảo phòng chống Covid-19, sẽ áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine” với khách nhập cảnh.
Giảm thiểu thời gian cách ly, khó làm giả dữ liệu
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT việc triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT về việc triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam, Cục Hàng không khẳng định: Việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách. Từ đây, cơ quan này kiến nghị cơ chế áp dụng hộ chiếu vaccine với khách nhập cảnh.
Theo đó, khách có hộ chiếu vaccine (đã được tiêm vaccine) và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 sẽ được nhập cảnh Việt Nam và giảm đến mức tối thiểu thời gian cách ly tập trung.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine tại Việt Nam cũng như đòi hỏi cần có những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.
Thông tin thêm, Cục Hàng không cho hay: Khái niệm “hộ chiếu vaccine", hay một loạt các khái niệm khác liên quan như "digital green pass", “green pass" có thể được hiểu là ghi chép về dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm tài liệu, giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số.
Lãnh đạo Cục hàng không cho rằng, việc sử dụng dữ liệu điện tử sẽ hạn chế việc làm giả dữ liệu. Sử dụng hộ chiếu vaccine, kết hợp với việc hành khách có kết quả xét nghiệm PCR âm tính là giải pháp hữu hiệu để có thể khởi động lại thị trường vận tải hàng không quốc tế thường lệ.
“Việc tiêm vaccine có thể phòng chống dịch bệnh về lâu dài tuy nhiên để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng thì cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã có xét nghiệm âm tính”, đại diện Cục hàng không cho biết.
Trên thực tế, hiện đã xuất hiện tình trạng làm giả giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 để du khách có thể vượt qua các quy định liên quan đến kiểm soát dịch bệnh do nhiều nước đặt ra.
Từ cuối năm 2020, truyền thông quốc tế đã cảnh báo về sự xuất hiện của thị trường chợ đen hoạt động ngầm và đang sôi động dần lên chuyên bán các giấy tờ giả chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, trong đó đã có một số trường hợp bị các nhà chức trách phát hiện từ Brazil tới Bangladesh.
Một ưu điểm nữa của hộ chiếu vaccine là việc tạo lập một ứng dụng về sức khỏe cho phép các cá nhân lưu trữ hồ sơ sức khỏe của họ một cách an toàn và riêng tư trên điện thoại. Việc trích xuất dữ liệu qua dạng QR code khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cũng là một biện pháp ưu việt nhằm giúp việcxác thực thông tin nhanh chóng cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho khách du lịch.
Đồng thời, nếu một hệ thống công nhận chung được hình thành giữa các quốc gia, việc di chuyển và tiến hành hoạt động đi lại của hành khách giữa các quốc gia sẽ trở nên cực kỳ thuận lợi và nhanh chóng cho hành khách cũng như cho cơ quan chức năng tại hai quốc gia mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Mặc dù vậy, Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ rõ: Vaccine ngừa Covid-19 không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ hoặc ngay lập tức. Hay nói cách khác, tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm, cũng như thời gian có hiệu quả của từng loại vaccine khác nhau.
Quan trọng hơn, để hộ chiếu vaccine có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, cũng như liên kết hệ thống. Để liên kết hệ thống đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.
Tại Mỹ, dữ liệu của bệnh nhân bị phân tán ở hàng chục nghìn cơ sở chăm sóc sức khỏe khác nhau; dữ liệu bệnh vẫn được các bác sĩ gửi qua máy fax, do đó việc thu thập thông tin về tiêm vaccine để xây dựng cơ sở xác minh kỹ thuật số có thể gặp phải rào cản về cả pháp lý và công nghệ.
Các nước đang ứng dụng “hộ chiếu vaccine” thế nào?
Hộ chiếu vaccine hiện đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Trung Quốc, hộ chiếu này được cấp cả dưới dạng bản cứng và bản điện tử. Chứng chỉ sức khỏe này thể hiện rõ tên, số hộ chiếu, thông tin về kết quả xét nghiệm axit nucleic cũng như thời gian, loại vaccine, tên vaccine và bệnh viện đã tiêm.
Hộ chiếu này sẽ hiển thị trên mã quét điện tử của mạng xã hội WeChat của Trung Quốc. Giấy chứng nhận có sẵn mẫu giấy như là một "hộ chiếu vaccine". Chứng chỉ này áp dụng trong nước và chưa có tính bắt buộc.
Công dân Trung Quốc có thể đăng ký xin cấp giấy chứng nhận này qua một chương trình trên WeChat được ra mắt ngày 8/3.
Mã quét QR của mỗi người cũng sẽ cho phép nước ngoài quét để biết thông tin cụ thể về tình trạng sức khỏe của du khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã sẵn sàng thảo luận với các quốc gia khác về việc thiết lập một cơ chế công nhận "hộ chiếu vaccine" của nhau.
Tại Hungary, giấy chứng nhận miễn dịch sẽ được cung cấp cho tất cả những người đã khỏi bệnh hoặc được tiêm hai mũi vaccine Covid-19. Giấy chứng nhận sẽ không có thời hạn sử dụng vì hiện chưa rõ thông tin về thời gian miễn dịch sau tiêm chủng.
Tại Isarel, hộ chiếu vaccine có tên "Green pass" - thẻ xanh. Theo đó, những người được tiêm vaccine có thể tải xuống một ứng dụng hiển thị “thẻ xanh" của họ khi họ được yêu cầu xuất trình. Ứng dụng cũng có thể hiển thị thông tin các bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19. Hiện tại, đã có Hy Lạp và đảo Síp sẽ cho phép khách du lịch Isarel có chứng nhận điện từ “Green pass" nhập cảnh mà không cần cách ly.
Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia đã cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh cho những ai đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Malaysia đang thảo luận với Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo giấy chứng nhận này cũng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã đề xuất cấp chứng nhận chung của cả khối dưới dạng kỹ thuật số về tiêm chủng ngừa Covid-19 để thúc đẩy việc mở cửa trở lại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch như du lịch.
Hiện chưa có mốc thời gian cụ thể về việc áp dụng chứng nhận này bởi vấn đề này sẽ cần được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế của ASEAN.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam. Theo đó, việc khôi phục trở lại được các cơ quan này thận trọng chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu sẽ chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo), áp dụng với công dân Việt Nam.
Bắt đầu từ tháng 7/2021, việc khôi phục các đường bay quốc tế sẽ được chuyển sang giai đoạn 2: Triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19). Các chuyến bay này trước mắt sẽ thực hiện trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Giai đoạn 3 dự kiến từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội), Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.
Thị trường triển khai được xác định là các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch Covid-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.