Vì sao chứng khoán chưa thể bứt phá mốc 1.300 điểm?
(DNTO) - Dù đã hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi tuy nhiên mốc 1.300 điểm vẫn là thách thức của thị trường chứng khoán hiện tại.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index mới chỉ trải qua hai phiên giao dịch chính thức vượt ngưỡng 1.300 điểm thời điểm kết phiên, ngày 12 và 13/6. Thị trường cũng ghi nhận chỉ số này chỉ chinh phục ngưỡng 1.300 điểm với khoảng thời gian ngắn trong vài phiên, sau đó nhanh chóng quay đầu giảm xuống. Đơn cử như phiên giao dịch ngày 27/9, VN-Index chỉ “gồng” được 5 phút sau đó rơi vào thất bại.
Điền đáng nói, sau giai đoạn nỗ lực chinh phục ngưỡng kháng cự quan trọng này, thị trường thường rơi vào trạng thái điều chỉnh, đi ngang tích luỹ, khiến chặng đường phía trước ngưỡng 1.300 dường như mỗi lúc mỗi xa hơn. Ngày 3/10, VN-Index suýt soát tới đích với gơn 1.299 điểm, tuy nhiên hôm nay, ngày 9/10, chỉ số này lại chỉ còn 1.281 điểm.
Khá nhiều nhà đầu tư nóng lòng đặt câu hỏi, điều gì đang gây khó cho thị trường? trong bối cảnh thị trường có khá nhiều thông tin tích cực. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, phát tín hiệu về sự đảo chiều chính của sách tiền tệ trong thời gian tới, tăng trưởng GDP quý 3 trong nước tích cực với 7,4%; các số liệu CPI, FDI... đều cho thấy sự lạc quan.
Ngoài ra, Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế lớn chưa có trong tiền lệ được cho mang lại nhiều kỳ vọng cho chứng khoán Việt Nam. Cùng đó, kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết cũng dần hé lộ nhiều tín hiệu khả quan. Dù vậy, thị trường chứng khoán tỏ ra phản ứng kém hào hứng với các thông tin trên.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS, yếu tố tâm lý đang là lực cản chính để VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự quan trọng, 1.300 điểm.
Cụ thể, theo lý giải của ông, có tới 65-70% nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. Hiện tại thị trường đang đón nhiều thông tin tốt từ vĩ mô nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đang phải nhìn ngó, lo lắng từ câu chuyện khối ngoại bán ròng, hay các thông tin địa chính trị đến từ bên ngoài dẫn đến sự thận trọng trong quyết định đầu tư của họ.
"Tôi nghĩ nhà đầu tư còn e dè và đợi tín hiệu tích cực từ thị trường. Họ đợi dòng tiền lớn, đợi sự bứt phá", ông Khánh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta, chia sẻ, trong ngắn hạn thị trường vẫn chưa có động lực đủ mạnh để vượt qua ngưỡng 1.300 diểm. Theo chuyên gia này, nguyên nhân chính là thiếu “một câu chuyện mới” đủ sức kích hoạt dòng tiền lớn.
Dự đoán thời điểm thị trường chinh phục mốc 1.300 điểm
Ông Lê Đức Khánh dự báo: "Thị trường sớm muộn gì cũng đạt 1.300 điểm và vượt qua, tuy nhiên trong ngắn hạn, khi VN-INdex quay lại mức đỉnh cũ, áp lực tâm lý rất mạnh dẫn đến áp lực bán và điều chỉnh cao nên mỗc 1.300 sẽ bị đảo xuống". Ông Khánh kỳ vọng, trong thời gian gần không còn xa, VN-Index sẽ vượt qua mốc 1.300 điểm hoặc có thể diễn ra ngay trong tháng 10 này.
Báo cáo chiến lược vừa công bố của Công ty chứng khoán KBSV cũng cho biết, công ty dự phóng chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm nay sẽ ở mức 1.320 điểm. Nguyên nhân, các biến động vĩ mô, xu hướng tỷ giá, lãi suất cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở hiện tại vẫn khá tương đồng với nhận định trước đó của KBSV. Và điều này tương ứng với P/E thị trường 15 lần, tăng trưởng EPS các doanh nghiệp trên HoSE tăng 13% so với cùng kỳ.
"Chúng tôi lưu ý rủi ro liên quan đến chiến tranh Trung Đông bùng phát, hay ông Trump tái đắc cử Tổng thống là 2 yếu tố chưa được đưa vào dự báo này", KBSV khuyến nghị.
Việc Vn-Index có chinh phục được mốc 1.300 hay không vẫn còn là ẩn số. Trước mắt, thị trường đang trong giai đoạn lình xình, giằng co, nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư phù hợp để hạn chế rủi ro có thể xảy ra.