FED hạ lãi suất, tiền đổ xô vào nhóm cổ phiếu ngân hàng
(DNTO) - Chỉ số VN-Index có thời điểm bật tăng trên 10 điểm, thanh khoản giao dịch tăng đáng kể so với các phiên lần trước, tập trung nhiều nhất vào nhóm ngân hàng, tiếp tục khẳng định vai trò nổi bật của nhóm cổ phiếu 'vua'.
Nổi bật nhất trong phiên hôm nay là cổ phiếu ACB của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, ghi nhận hơn 32 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt trên 800 tỷ đồng. Với mức tăng 3,2% trong phiên, cổ phiếu ACB chính thức lập kỷ lục cao nhất về giá kể từ khi gia nhập thị trường đến nay.
Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng ghi nhận con số trên 56 triệu cổ phiếu được giao dịch, dẫn đầu về khối lượng giao dịch giao dịch của sàn HoSE trong phiên. Thanh khoản giao dịch của VPB vì vậy cũng bật tăng trên 1.000 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giữ đà tăng tốt, hút mạnh dòng tiền của thị trường, đơn cử như TCB, STB, MBB, LPB... đều tăng trên 1%. Nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò trụ cột khi hút gần 30% dòng tiền của thị trường và có tới 7 cổ phiếu đứng trong Top 10 những cổ phiếu có giá trị nâng đỡ với VN-Index.
Về thị trường chứng khoán hôm nay, diễn biến có phần thiếu nhất quán và rơi vào đuối sức trong cuối phiên, trái ngược với không khí giao dịch nhộn nhịp buổi sáng với sức bật trên 10 điểm của chỉ số VN-Index. Kết phiên, chỉ còn tăng nhẹ 0,7%, dừng tại 1.272 điểm. Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là dòng tiền đã tích cực gia nhập thị trường với hơn 24 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, trong đó riêng HoSE đạt trên 21 ngàn tỷ đồng, con số cao nhất trong một tháng qua.
Cổ phiếu ngân hàng và FED
Với xu hướng chủ yếu ở trạng thái đi ngang thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng như tìm được lực đỡ sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ‘’mạnh tay’’ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.
FED hạ lãi suất, áp lực tỷ giá giảm nhẹ, nhà điều hành sẽ có nhiều dư địa hơn cho các chính sách tiền tệ nới lỏng trong nước. Điều này khiến nhiều ngân hàng được kỳ vọng hơn ở câu chuyện tăng trưởng tín dụng nhằm thực hiện mục tiêu 15% ban đầu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Ngoài ra, các ngân hàng còn được biết đến với khả năng tạo lợi nhuận ổn định, tỷ lệ ROE cao và giá cổ phiếu đang tương đối phù hợp.
Bộ Tài chính vừa ký và ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9 chính thức loại bỏ yêu cầu “pre-funding” đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thông tư trên mở đường cho việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng chính cho thị trường chung trong trung và dài hạn và cho cả nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cổ phiếu ngân hàng thường có độ nhạy nhất định với vấn đề lãi xuất từ FED. Tuy nhiên, nhóm này tăng bền vững hay chỉ là "thoáng qua" còn là vấn đề cần chờ đợi, phụ thuộc vào cả chính bản thân nội lực của mỗi nhà băng.
"Có thể thấy sự phân hóa trong kết quả kinh doanh ngày càng rõ nét trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng có quy mô vốn lớn có lợi thế hơn trong khi các ngân hàng quy mô vốn trung bình và nhỏ đang có nhiều trở ngại hơn trong hoạt động cho vay cũng như áp lực trích lập cao khi chất lượng tài sản xấu đi", chứng khoán PHS nhận định.
Hiện tại, chi phí trích lập dự phòng đang là gánh nặng lớn kéo giảm lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu đang là vấn đề đáng quan tâm.
Theo PHS, NHNN sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế, qua đó ngành ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng tốt hơn trong giai đoạn tới, tuy nhiên trước mắt cần ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản. Mức tăng trưởng của lợi nhuận của toàn ngành dự kiến ở vào khoảng 15-17%.