Chủ tịch Dragon Capital: 'Khó khăn của thị trường chứng khoán đã nằm sau lưng chu kỳ'
(DNTO) - Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ Dragon Capital, hai năm qua là giai đoạn khó khăn của thị trường chứng khoán, tuy nhiên thách thức đang giảm dần, nhiều yếu tố tích cực bắt đầu lộ diện.
Khối ngoại bán nhiều nhưng không đáng lo
Tính từ giai đoạn đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại đã rút ròng hơn 68 ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Con số này tăng mạnh so với năm 2023 khi tính cả năm, giá trị rút ròng của khối này chỉ khoảng 22 ngàn tỷ đồng.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven, tại Talkshow The Investors, điều này là không đáng lo ngại.
Thực tế, vấn đề này liên quan đến cả yếu tố bên ngoài và bên trong tác động đến thị trường. Yếu tố bên ngoài xuất phát từ nỗi lo do tình hình xung đột địa chính trị ở nhiều nước; tình trạng bong bóng tài chính khi nhiều nước phát triển trong mười năm gần đây mạnh tay in ra tiền dẫn đến nợ công, giá trị tài sản hay chi phí sống của người dân gặp khó.
Tại Việt Nam, hai năm gần đây, theo thống kê từ Dragon Capital với 80 công ty niêm yết chiếm trên 80% giá trị vốn hoá toàn thị trường thì trong 2 năm nay 2022 và 2023 gần như không có sự tăng trưởng lớn về lợ nhuận. "Một thị trường không có tăng trưởng lợi nhuận trong hai năm thì nhà đầu tư sẽ đi nếu không có động cơ phát triển", chuyên gia của Dragon Capital cho biết.
"Nhà đầu tư nước ngoài có nỗi sợ và hành động là bán mang tiền về nước cho an toàn", ông Dominic Scriven lý giải.
Vị này cũng thừa nhận, trong hai, ba năm qua, thị trường chứng khoán gặp không ít khó khăn, tuy nhiên khó khăn đã nằm về phía sau lưng của một chu kỳ với nhiều ảnh hưởng như dịch bệnh Covid-19, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế... Thị trường đang đứng trước nhiều yếu tố mới như các công ty niêm yết đang trên đà hồi phục mạnh, dự báo 80% công ty mà Dragon Capital theo dõi sẽ có lợi nhuận tăng 18% trong năm nay, ngoài ra sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam với các chính sách kịp thời cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Cần có sở giao dịch riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp?
Theo chuyên gia của Dragon Capital, cần phải kể đến một thách thức không nhỏ của chứng khoán Việt Nam là "hàng hoá", số lượng cổ phiếu còn mỏng và thiếu sự đa dạng trong cơ cấu, với sự tập trung nhiều nhất là nhóm ngân hàng, sau đó đến bất động sản.
"Quy định Việt Nam không cho niêm yết với các công ty chưa có lợi nhuận hay thua lỗ để bảo vệ nhà đầu tư là đúng nhưng với các công ty khởi nghiệp mới, các ngành mới lại không niêm yết được. Liệu đâu đó nên có thị trường riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp", ông đặt vấn đề.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp với đặc thù nguồn vốn còn ít, thời gian hoạt động còn ngắn, do đó sự hỗ trợ là hết sức cần thiết.
Về góc độ nhà đầu tư, vị chuyên gia cũng chỉ ra bốn yếu tố mà bản thân ông đúc rút trong quá trình đầu tư. Các yếu tố cần lưu ý bao gồm: thanh khoản thị trường; mức lãi phải cao hơn lãi suất ngân hàng, tránh tính trạng mất vốn và cần tham khảo ý kiến bạn bè. Quan trọng hơn, mỗi nhà đầu tư cần xác định khẩu vị rủi ro của bản thân để có hướng đầu tư phù hợp.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, ngày 17/9, thị trường bật tăng mạnh mẽ hơn 19 điểm. Chỉ số VN-Index đạt 1.258 điểm với gần 500 mã tăng giá và 22 mã tăng kịch trần. Khối ngoại mạnh tay mua hàng với giá trị mua ròng đạt gần 500 tỷ đồng.