Săn tìm cổ phiếu ngành chăn nuôi, mã nào sẽ 'sáng'?
(DNTO) - Trong khi thị trường rơi vào trạng thái giằng co, thanh khoản đi xuống, nhóm cổ phiếu chăn nuôi hút dòng tiền và dành được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng, trong đó đặc biệt là nhóm cổ phiếu chăn nuôi, bất ngờ tăng mạnh trong các phiên giao dịch gần đây.
Cụ thể, kết phiên ngày 10/9, DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam tăng 2,5% với khối lượng giao dịch lên tới 15 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch trên 400 tỷ đồng. Mã MML của Công ty cổ phần Masan MeatLife tăng 6,3%; BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam tăng 4,6% với hơn 10 triệu đơn vị được khớp lệnh hay HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng 2,4%.
Diễn biễn trên của nhóm ngành chăn nuôi trong bối cảnh thị trường khá giằng co, lực cung lớn trong khi lực cầu bắt đáy yếu, không đủ sức hấp thụ nguồn cung dồi dào. Xu hướng bán mạnh đã khiến chỉ số VN-Index mất hơn 12 điểm với gần 500 mã giảm giá.
Thị trường thiếu tích cực khi nhà đầu tư dường như đang thận trọng hơn, nhất là trong bối cảnh tình trạng mưa lũ đang gây thiệt hại lớn với người và của ở tỉnh thành phía Bắc, trong đó nông nghiệp là một trong những ngành gánh chịu hậu quả nặng nề.
Theo đó, nhóm cổ phiếu chăn nuôi tăng giá khả năng có xu hướng FOMO trong bối cảnh thị trường trống vắng thông tin tích cực.
Cơ hội dài hạn cho cổ phiếu ngành chăn nuôi?
Chiều 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức họp khẩn cấp để đánh giá tình hình và triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, trong đó có ngành chăn nuôi, nhằm đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân cũng như yếu cầu xuất khẩu. Những chính sách mới sẽ là bàn đạp quan trọng cho nhóm cổ phiếu chăn nuôi.
Ngoài ra, xét về dài hạn, nhóm chăn nuôi cũng được đánh giá nhiều triển vọng phục hồi lợi nhuận. Trước hết, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vốn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, đang hạ nhiệt đáng kể. Hiện giá nhiều giá nguyên liệu đang giảm 30-40% sẽ khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm giảm mạnh, góp phần tiết kiệm chi đầu vào cho các doanh nuôi lớn.
Ngoài ra, giá heo hơi cũng được kỳ vọng phục hồi giúp các doanh nghiệp chăn nuôi hưởng lợi, nguyên nhân bởi nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả lơn Châu Phi và Luật Chăn nuôi nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép sẽ khiến nhiều hộ nông dân bỏ nghề khi mà việc di dời chuồng trại khó khăn.
Trong bối cảnh trên, lợi thế đang dành cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đổ tiền đầu tư chuồng trại tăng công suất, hoàn thiện chuỗi giá trị chiếm lĩnh thị phần.
"Nổi bật có thể kể đến DBC và BAF khi hai doanh nghiệp này đã đầu tư vào một loạt các trang trại chăn nuôi mới để tăng công suất", báo cáo về chiến lược đầu tư các tháng cuối năm của Agriseco cho biết.
Với DBC, các chuyên gia đặt kỳ vọng ở câu chuyện doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đặc biệt, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư mở rộng công suất với hàng loạt các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở Thanh Hoá, Phú Thọ. BAF cũng ghi dấu ấn với việc đầu tư hai trang trại ở Nghệ An và một trang trại ở Bình Phước.
Dù vậy nhiều yếu tố thuận lợi, nhà đầu tư cũng cần lưu ý các thông tin như giá nguyên liệu đầu vào bấp bênh do các cản địa chính trị cũng có thể đe dọa lợi nhuận các doanh nghiệp chăn nuôi.
Theo Agriseco Research dự phóng, lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán năm nay sẽ tăng trưởng 15% so với năm ngoái và cải thiện dần qua từng quý. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thị trường cũng sẽ có khó khăn đan xen và đáng chú ý là rủi ro tiềm ẩn đến từ việc nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại.