Cổ phiếu ngân hàng, lực đẩy để VN-Index vượt mốc 1.300 điểm?
(DNTO) - Việc nhiều nhà băng được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng có thể xem là yếu tố thuận lợi nâng đỡ nhóm cổ phiếu ngân hàng, tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông tin, các nhà băng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đưa ra sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm room tín dụng. Đây là tin mới của ngành ngân hàng khi mà tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khả năng thấp hơn so mức định hướng 15%, đồng thời thể hiện quyết tâm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế từ phía nhà điều hành.
Tính đến hiện đại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm tới gần 30% tổng vốn hoá của toàn thị trường chứng khoán trong nước, trong đó có tới 13 mã nằm trong nhóm VN30, tức chiếm 43% về số lượng trong tổng số 30 cổ phiếu đứng đầu về giá trị vốn hoá và tính thanh khoản. Sự tác động của nhóm này đến chỉ số chung và cả rổ chỉ số VN30-Index là rất lớn. Và trong bối cảnh chỉ số VN-INdex đã nhiều lần không thể chinh phục ngưỡng 1.300 điểm, ngoại trừ một lần duy nhất vào tháng 6, nhiều nhà đầu tư lại kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu "vua" này.
"Đây sẽ là thông tin vĩ mô tích cực tạo lực đẩy cho nhóm cổ phiếu ngân hàng", ông Trần Hoàng Sơn Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. Theo quan điểm của ông trong bối cảnh tỷ giá ổn định trở lại, sự phục hồi tốt của xuất khẩu, sản xuất hàng hoá sẽ tạo lực cầu tốt cho tín dụng và hạ lãi suất mà không gây áp lực lên tỷ giá. Ông nhận định đây là cơ sở hướng về chu kỳ nới lỏng chính sách hơn giai đoạn trước, cũng là yếu tố tích cực của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Ngay khi có thông tin trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại hút mạnh dòng tiền. Cụ thể, ngày 29/8, nhóm ngân hàng hút trên 30% dòng tiền toàn thị trường, tương đương mức tăng 0,19%. Kết thúc phiên sáng ngày hôm nay, 30/8, nhóm này cũng đã tăng trên 0,3%, hút trên 15% dòng tiền toàn thị trường.
Thực tế, diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm nay không mấy tích cực. Nếu quý một năm nay, trung bình nhóm này tăng 19,8%, thì đến quý 2 lại giảm 6,3%, dấu hiệu cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư giảm sút. Thời gian qua câu chuyện của ngành không còn nhiều yếu tố hấp dẫn, khiến cổ phiếu này vẫn chưa thực sự bứt phá mạnh.
Với thế mạnh riêng, cổ phiếu ngân hàng luôn nằm trong sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhất là khi các ngân hàng có nhiều triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay, cũng như làm dày bộ đệm vốn dự phòng. Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý các vấn đề như sự cạnh tranh khốc liệt khi nhiều ngân hàng cùng được nới room; rủi ro nợ xấu gia tăng khi sự phục hồi nền kinh tế không như kỳ vọng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo quan điểm từ khối phân tích của Maybank Kimeng, dù tăng trưởng tín dụng đã có động lực, tuy nhiên yếu tố then chốt lại là tốc độ phục hồi thực tế của nền kinh tế tức nguồn cầu quyết định.
"Chúng tôi nhận thấy lãi suất cho vay đang thấp phản ánh phía cung đã sẵn sàng để hỗ trợ. Quyết định cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng là một động lực khác cho tăng trưởng tín dụng, cho thấy quyết tâm tiếp tục đảm bảo đủ thanh khoản/nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, phần khó dự báo hơn đó là tốc độ phục hồi kinh tế, điều này sẽ là cơ sở cho việc hỗ trợ nhu cầu tín dụng", các chuyên gia nhận định.
Kết thúc 6 tháng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng đạt 148 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, dù vậy chỉ có 13/27 ngân hàng đạt 50% trở lên trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024.