Fed hạ lãi suất, cổ phiếu nào hưởng lợi?
(DNTO) - Kỳ vọng Fed và nhiều ngân hàng trung ương giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá và đà rút ròng của khối ngoại. Nhiều cổ phiếu được đánh giá cao như nhóm ngành xuất khẩu hàng hoá, bất động sản...
Tại Hội nghị Jackson Hole, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra quyết định hạ lãi suất trong kỳ họp tiếp theo vào ngày 18/9. Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm duy trì mức lãi suất đi lên, trong đó có thời điểm từng chạm đỉnh lịch sử 23 năm ở mức 5,25 - 5,5%.
Cách đây ít ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống còn 3,5% và đây cũng là lần giảm lãi suất thứ 2 trong năm của ngân hàng. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ có các cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này chuẩn bị cho sự thay đổi trong chính sách lãi suất. Fed và nhiều ngân hàng hàng trung ương được kỳ vọng bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
"Làn sóng cắt giảm lãi suất cho thấy bức tranh kinh tế thế giới có nhiều vấn đề, yếu tố liên quan đến tăng trưởng đang là yếu tố bận tâm nhất của các ngân hàng trung ương chứ không chỉ còn yếu tố lạm phát", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS chia sẻ với nhà đầu tư ngày 16/9.
Trong bối cảnh lạm phát đã giảm, bức tranh kinh tế ở nhiều quốc gia lớn như Trung Quốc, Đức hay nhiều nước châu Âu có phần kém lạc quan, động thái hạ lãi suất được cho là cần thiết. "Khả năng có một cuộc suy thoái nếu các ngân hàng không bắt tay hạ lãi suất kịp thời", ông Sơn chia sẻ.
Vậy điều gì sẽ xảy ra với chứng khoán Mỹ sau khi Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau một thời gian dài?
Với thị trường chứng khoán Mỹ, theo thống kê từ VPBankS, năm từ 1974 đến nay, thị trường tăng trung bình 4% sau 6 tháng, một năm sau tăng trung bình 7% sau động thái tái hạ lãi suất của Fed. Trong trường hợp có suy thoái, thị trường giảm trung bình trong sáu tháng khoảng 1,8% nhưng một năm sau vẫn tăng nhẹ 0,9%. Nếu không có suy thoái, mức tăng sẽ là 13% trong 6 tháng sau đó và 16% sau một năm.
Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý, về trung và dài hạn thị trường vẫn đi lên những có thể xuất hiện các nhịp sụt giảm sâu ảnh hưởng nặng nề tới nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ còn bị ảnh hưởng bởi kỳ bầu cử. Thông thường, thị trường sẽ bị yếu đi trước kỳ bầu cử khoảng một, hai tháng và thường tạo đáy đúng thời điểm diễn ra kỳ bầu cử, tuy nhiên, thường tăng khi bầu cử xong.
Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ còn khá nhiều dư địa tăng trưởng. "Kỳ vọng từ việc hạ lãi suất đã phản ánh trước đó nên thị trường càng gần vùng đỉnh lịch sử càng gần vùng biến động khi xu hướng dòng vốn thường chạy từ thị nóng đang các thị trường có kỳ vọng cao hơn như thị trường Đông Nam Á", ông Sơn chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay, chứng khoán trong nước có nhiều yếu tố tích cực. Môi trường lãi suất toàn cầu sẽ tạo động lực tích cực đến trong nước khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp chính sách tiền tệ có nhiều dư địa để nới lỏng.
Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất nước ta. Một khi kinh tế Mỹ có cơ hội hồi phục, nhu cầu tiêu dùng tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng, qua đó tác động đến xuất khẩu Việt Nam trong 6-12 tháng tới. Theo đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu được chuyên gia dự báo sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong xu hướng hạ lãi suất của thế giới, lãi suất trong nước được kỳ vọng sẽ giảm. Khi đó, các doanh nghiệp đang có dư nợ nhiều sẽ được hưởng lợi. Các cổ phiếu liên quan đến bất động sản hay sản xuất cũng cho có nhiều yếu tố tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 12 điểm với hơn 14 ngàn tỷ đồng thanh khoản trên cả ba sàn.