Vẫn còn rào cản trong chính sách, cần tạo thế đột phá hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp

(DNTO) - Trước những bất cập về nghịch lý kéo dài trong khâu chính sách "làm khó" doanh nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh, cần có một hệ thống thể chế thực sự kiến tạo cho sự phát triển ổn định, bền vững, có tính chất tiên liệu, đóng vai trò "bệ đỡ" thì mới có thể giúp cho doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Tháng 7, hơn 8.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Ảnh: TL.
Bức tranh đăng ký doanh nghiệp vẫn nặng tâm lý thận trọng
Mặc dù đã trải qua hết chặng đường 7 tháng đầu của năm 2024 nhưng tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nước vẫn rất đáng để chú tâm. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7/2024 có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so với tháng trước đó; có 7.035 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% so với tháng 6/2024 và tăng 33,8% so cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 7 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra bình quân mỗi tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Rõ ràng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa còn rất nhiều khó khăn đang tồn tại nên mới có những con số về doanh nghiệp phải rời “cuộc chơi” lớn như vậy.
Riêng tại “đầu tàu” kinh tế của cả nước như TP.HCM, do thị trường chung suy giảm nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang vật lộn trong khó khăn. Đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, khó khăn phổ biến là vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá nghiêm ngặt. Còn đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khó khăn chung là tình trạng cạn tiền, lãi suất vay mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so lợi nhuận thực hiện...
Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, chưa bao giờ số doanh nghiệp mới hoạt động thấp hơn số doanh nghiệp rời khỏi thị trường như hiện nay. Đây là thiệt thòi của nội lực Việt Nam. Theo vị chuyên gia kinh tế, không có nội lực thực sự thì sẽ không tận dụng được các yếu tố ngoại lực như FDI hay việc làm bạn với các quốc gia G7. Ngoài ra, nếu chỉ trông chờ vào những nguồn lực ngoại này mà không tìm cách làm giàu nội lực, Việt Nam sẽ mãi là quốc gia làm gia công. Trong khi những nước khác có thể vượt lên, làm tốt hơn rất nhiều.
Bà Lan chỉ ra, bên cạnh những nội dung đã hoàn thiện được thì hệ thống các quy định và thực hiện các quy định hiện còn nhiều vấn đề trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Đừng để doanh nghiệp nội địa "lép vế" vì chính sách thuế thiếu hợp lý. Ảnh: TL.
Mong muốn tháo gỡ triệt để các bất cập
Mới đây, ngày 26/7, trước những bất cập về chính sách, có 6 Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu đã gửi văn bản tới Thủ tướng để bày tỏ mong đợi và trông chờ vào việc sửa đổi một số nội dung thuộc Nghị định 09. Cụ thể là xin đề xuất giải pháp khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm và khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm, thay cho việc quy định bắt buộc như hiện nay.
Đại diện các doanh nghiệp trần tình, việc giữ nguyên quy định như vậy là đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới. Thứ hai là không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu. Thứ ba là gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất kinh doanh thực phẩm mà hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng lại rất thấp. Những tổn thất này không chỉ bằng tiền bạc, thời gian, mà trong nhiều trường hợp doanh nghiệp mất cả thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả ngành hàng thực phẩm Việt.
“Đã một thời gian đủ dài 7 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp các hiệp hội ngành hàng thực phẩm vẫn luôn dõi theo và đốc thúc tiến trình này”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Cùng chung nỗi niềm, phản ánh gần đây từ các doanh nghiệp cơ khí nội địa "than phiền" họ đang gặp khó vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu bởi sự chênh lệch quá lớn giữa nhập khẩu linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc.
Cụ thể, thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị nguyên chiếc được hưởng mức thuế 0%, nhưng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu lại chịu thuế cao, có những chi tiết phải đóng mức thuế đến 25%. Thậm chí, có linh kiện có mức thuế đến 30%, chẳng hạn như mô tơ… Điều này đẩy giá thành của sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu nguyên chiếc.
“Chính sách như vậy tác động rất tiêu cực đến sản xuất và sử dụng ô tô chuyên dùng tại Việt Nam. Giá bán các loại phương tiện này trên thị trường bị đẩy lên cao do khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào không được khấu trừ và hoàn. Đơn cử trường hợp xe cứu thương, khoản thuế không được khấu trừ và hoàn này khiến chi phí sản xuất xe cứu thương trong nước tăng khoảng 35% – 40%”, phía VCCI góp ý.
Từ các bất cập, khó khăn nêu trên cho thấy mối quan ngại của các doanh nghiệp về nghịch lý kéo dài trong khâu chính sách là hoàn toàn có cơ sở. Nói như PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Thể chế cần xác định rõ nhà nước có vai trò “bà đỡ”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thì mới giúp cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh thay vì để họ luôn phải gánh mối lo “trăm dâu đổ đầu tằm”.
Tình hình "sức khỏe” của doanh nghiệp Việt có khả quan hơn hay không, cũng như tránh rơi vào thế khó phải rời bỏ thị trường, đang trông chờ sự cầu thị thay đổi tích cực hơn trong khâu hoạch định chính sách, nhất là cần tránh cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt.