TS Cấn Văn Lực: Quản lý giá phải đúng, 'trúng huyệt' chứ không dàn trải
(DNTO) - Theo TS Cấn Văn Lực, không nên phản ứng thái quá với câu chuyện giá cả vì đấy là câu chuyện của thị trường. Trong điều hành giá cần tập trung quản lý các nhóm mặt hàng làm CPI tăng nhanh. Đây là điểm rất quan trọng, vì chúng ta phải tập trung chứ không thể xử lý dàn trải được.
Bàn về câu chuyện quản lý giá trong bối cảnh giá xăng dầu đang giảm liên tục thời gian gần đây, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng: Cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách.
Với nhóm trước mắt, ông Lực cho rằng phải đồng bộ các giải pháp cả kinh tế, hành chính và biện pháp thông tin tuyên truyền... Bên cạnh đó, phải làm rõ chúng ta có thể tác động vào những cấu phần giá nào. Vì có những nhóm mặt hàng tăng giá, nhưng cũng có những nhóm lại giảm. Ví dụ phí giáo dục, công nghệ thông tin viễn thông vừa rồi giảm…
Theo TS. Cấn Văn Lực, có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng nhanh, mạnh như vừa qua, chiếm đến 80%. Một là nhóm có liên quan đến giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản vẫn do giá xăng dầu tăng. Thứ hai là lương thực thực phẩm, chiếm khoảng 13% tổng mức tăng của CPI. Thứ ba chính là nhà ở, vật liệu xây dựng…
Nhấn mạnh cần phải tập trung kiểm soát cả ba nhóm này, theo TS. Cấn Văn Lực, Công điện 679 của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng 3 nhóm này. Đây là điểm rất quan trọng, vì chúng ta phải tập trung chứ không thể xử lý dàn trải được.
Về câu chuyện thanh tra kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý giá, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ đồng tình là phải làm nhưng lưu ý là "chúng ta không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp không vào cuộc". Chính vì vậy phải có giải pháp để làm sao tăng cường thêm ý thức của cả doanh nghiệp và người dân.
Với doanh nghiệp, biện pháp trước mắt có thể là truyền thông để họ nhận thức tốt hơn. Thứ hai là kiểm tra giám sát. Thứ ba là phải tạo được văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam. Đây là biện pháp cả trước mắt và lâu dài.
TS Cấn Văn Lực hy vọng thời gian tới, giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn và giảm bớt...
Giá hàng hóa chỉ tăng không giảm, Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo mở cao điểm tổng kiểm tra
Liên quan đến câu chuyện quản lý giá, ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Công điện nêu rõ: Triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.
Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương về tình hình biến động của giá cả thị trường hàng hóa nói chung và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân nói riêng, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022...
Tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để báo cáo ngay với Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương về tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý, đề xuất các giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán...
Chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 các cấp hoặc các địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để chủ động điều hành, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.