Tránh 'bẫy' lừa đảo trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt không nên bỏ qua xác minh đối tác
(DNTO) - Doanh nghiệp Việt ngày càng bị vướng nhiều vào những vụ lừa đảo thương mại quốc tế do những chiếc “bẫy” được các đối tượng lừa đảo giăng ra ngày càng tinh vi, kể cả việc chuẩn bị hồ sơ giấy tờ cũng rất chuyên nghiệp.
Các doanh nghiệp toàn cầu hiện phải chịu thiệt hại do lừa đảo lên tới 5% doanh thu mỗi năm, với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tình trạng lừa đảo ngày càng nóng khi thương mại quốc tế ngày càng rộng mở. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam ngấm đòn với tình trạng này.
Ông Phạm Thanh Hải, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, cho biết tại thị trường này trung bình mỗi năm có tới 6-7 trường hợp lừa đảo với doanh nghiệp Việt Nam. Một số ngành hàng đối tượng Nam Phi thường nhắm đến như đậu xanh, bột bắp, hoá chất trong công nghiệp chế biến thực phẩm, quả tươi... Thông thường các hợp đồng thương mại thường có giá trị từ 20.000 - 60.000 USD.
Hay tại thị trường Canada, trung bình mỗi tháng có 10 vụ lừa đảo. Nhận thấy đơn hàng sụt giảm do kinh tế toàn cầu khó khăn, các đối tượng thường chủ động tiếp cận doanh nghiệp Việt Nam thông qua tin nhắn, email, đưa ra yêu cầu muốn ký đơn hàng giá trị lớn. Đặc biệt, các đối tượng ở thị trường này còn tinh vi đến mức sẵn sàng làm giả giấy tờ, đóng dấu tươi để cung cấp cho phía công ty Việt Nam như hồ sơ đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận nộp thuế, giấy xác nhận ngân hàng (tài khoản, số dư...)
“Có đối tượng còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB, chấp thuận xử lý tranh chấp tại Việt Nam, thanh toán trước 50%. Có đối tượng còn chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC), thậm chí còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra”, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo quốc tế ngày càng tinh vi. Đơn cử như vụ hơn 70 container hạt điều sang Italia, đơn hàng được đặt ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2022,đều là hàng cao cấp rất khó tiêu thụ. Đơn hàng này chia cho 6 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhận đơn hàng lớn nhất là hơn 40 container với trị giá gần 5 triệu USD.
Trong quá trình giao dịch, lãnh đạo Vinacas cho hay có doanh nghiệp nghi ngờ thị trường Italia tiêu thụ điều nhân tương đối thấp nên đã đặt câu hỏi với đối tác vì sao lại mua số lượng lớn. Người mua trả lời do chính sách hỗ trợ của Chính phủ Italia sau đại dịch, các đơn hàng lớn sẽ được hỗ trợ tín dụng. Cùng với đó, người môi giới cho thương vụ trên có 15 năm kinh nghiệm, đã từng làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp càng chủ quan và đã không kiểm tra thêm.
Khi các Bộ chứng từ gốc được giao cho bên vận chuyển, người môi giới thông báo người mua yêu cầu mã code bộ chứng từ để liên hệ với bên vận chuyển. Doanh nghiệp Việt Nam băn khoăn thì nhận được lời giải thích: “Vì chủ hàng Italia cần đơn hàng gấp để tiêu thụ”. Ông Nhựt cho biết lời giải thích này cũng hợp lý nên doanh nghiệp Việt Nam đã tin và sập bẫy.
“Các tổ chức lừa đảo quốc tế đã nghiên cứu rất kỹ về tâm lý người Việt Nam”, ông Nhựt nói.
Để hạn chế rủi ro, bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italia, cho biết doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ qua quy trình xác minh đối tác, kể cả giao dịch thông qua người môi giới quen biết. Khi soạn thảo hợp đồng cần có điều khoản giám định hàng hoá trước khi giao hàng; yêu cầu đặt cọc ít nhất 15-20% theo mức rủi ro của cảng. Khi ký hợp đồng với môi giới cần tránh dùng hợp đồng mà họ soạn sẵn, cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính người mua.
Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến nghị doanh nghiệp nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight). Nếu thanh toán theo hình thức đặt cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt cọc ở mức cao, từ 30-50% giá trị đơn hàng, đặc biệt là các đơn hàng lần đầu. Không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào như phí môi giới, phí luật sư...