Làm ăn đã khó khăn, doanh nghiệp còn gặp lừa đảo thương mại ở khắp nơi
(DNTO) - Từ Canada cho đến Nga, châu Phi và Đông Nam Á, các Thương vụ Việt Nam từ nước ngoài đều phát đi cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam hết sức thận trọng trong giao dịch quốc tế do các vụ lừa đảo thương mại có dấu hiệu gia tăng.
Chớ thấy hoa nở mà ngỡ xuân về
Trong cuộc giao ban với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mới đây, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở nhiều cá nhân/chủ doanh nghiệp nhập cư.
Cụ thể, một số cá nhân tự lấy hồ sơ, dùng tên của các chủ doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam. Các đối tượng sử dụng điện thoại, email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail…), Whatsapp, viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để tạo uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ.
Khi doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng yêu cầu phải hoàn thiện một số loại chứng nhận (thường không tồn tại) và khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc của Chính phủ Canada/chính quyền tỉnh bang trước khi chuyển tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư/broker để “hỗ trợ/thay mặt” doanh nghiệp Việt làm các chứng nhận này tại các cơ quan công quyền Canada. Các luật sư/broker tự liên lạc và yêu cầu mức phí khoảng $1000CAD/chứng nhận (làm nhanh trong 3 ngày).
Để tăng độ tin cậy, có đối tượng còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB, xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50% và thanh toán phần còn lại khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC). Có vụ việc, đối tượng ở Canada sau khi làm giả BCL, SBLC, còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Canada nhập hàng theo cơ chế thanh toán LC trả chậm. Sau khi hàng được giao, bên nhập hàng dỡ hàng, tự thuê kiểm định, không theo thoả thuận thuê bên thứ ba kiểm định và không chấp nhận kiểm tra ngẫu nhiên mẫu qua video call; cố ý không thanh toán phần chậm trả. Có vụ việc khác, doanh nghiệp nhập khẩu đã lấy được chứng từ và lấy hàng, trong khi ngân hàng thu hộ không phản hồi các điện SWIFT, tức ngân ngân hàng thu hộ không thực hiện đúng trách nhiệm, để cho người "mua" nhận hàng mà không thanh toán.
Trước đó, 5 container nông sản (hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi) của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang UAE, trị giá hơn 500.000 USD, cũng có nguy cơ mất trắng vì bị lấy hàng nhưng chưa nhận được thanh toán. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam và phía bạn đang nỗ lực vào cuộc để “giải cứu” nạn nhân trong vụ lừa đảo này.
Các thương vụ Việt Nam tại Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Myanmar… cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa đảo thương mại quốc tế ngày càng gia tăng. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình chính trị, thị trường ở nước đối tác, cần thận trọng trong giao dịch, nắm được số đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp để tiện cho việc xác minh, đồng thời sử dụng các phương thức thanh toán an toàn.
Thận trọng với đường đi của tiền
Các Thương vụ cho biết, tình hình kinh tế - chính trị tại nhiều quốc gia đang hết sức phức tạp do ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột chính trị, các lệnh trừng phạt, suy thoái kinh tế… Điều này tác động không nhỏ đến thương mại quốc tế.
Tại châu Phi – điểm nóng thường xuyên xảy ra vụ lừa đảo thương mại quốc tế, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến nghị khi doanh nghiệp khi giao dịch tại khu vực này cần thẩm tra, xác minh doanh nghiệp kỹ trước khi thực hiện hợp tác và ký kết hợp đồng. Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu-nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước nên áp dụng hình thức thanh toán “Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight).
"Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nếu thanh toán theo hình thức đặt cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt cọc ở mức cao, khoảng từ 30%-50% giá trị đơn hàng, nhất là đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, ví dụ: phí môi giới, phí luật sư...Nếu nhập khẩu về Việt Nam, cần tiến hành kiểm định hàng hóa tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu hoặc thuê các công ty kiểm định có uy tín để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Nếu có thể, trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu", Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến nghị.
Còn Thương vụ Việt Nam tại Belarus cho biết trong thời gian tới việc thanh toán tại thị trường này cũng sẽ khó khăn khi hầu hết các ngân hàng do lệnh cấm vận được dự đoán sẽ dừng chuyển các khoản tiền bằng ngoại tệ là USD và Euro. Rất nhiều các công ty Belarus đã chuyển sang ký hợp đồng bằng đồng nội tệ, Rúp Nga, nhân dân tệ của TQ, rupi Ấn độ... với các đối tác nước ngoài. Điều này sẽ gây tâm lý lo ngại với các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Việt Nam khi muốn khai thác thị trường, tiềm kiếm đối tác và giao dịch với các doanh nghiệp Belarus.
Mặc dù khuyến nghị doanh nghiệp Việt vẫn nên mạnh dạn làm ăn với thị trường Belarus khi nhận được hỏi hàng từ các doanh nghiệp nước này, tuy nhiên Thương vụ vẫn khuyến nghị nên cẩn trọng trong thanh toán.
“Ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng xuất khẩu sang Belarus nên sử dụng phương thức thanh toán TT và đề nghị đặt cọc trước 30-50%. Đây là một hình thức để kiểm tra xem ngân hàng người mua tại Belarus có chuyển được tiền (loại tiền thanh toán tiền hàng thỏa thuận trên hợp đồng, đặc biệt là với đồng tiền USD và Euro) cho ngân hàng người bán ở Việt Nam không. Bởi hiện tình hình hoạt động của các ngân hàng Belarus thay đổi lên tục do lệnh cấm vận của phương Tây”, Thương vụ Việt Nam tại Belarus nhấn mạnh.
Việt Nam hiện có 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ trải đều ở các khu vực thị trường lớn. Các thông tin thương vụ đều đăng tải công khai trên internet. Doanh nghiệp muốn kết nối đối tác làm ăn hay xác minh thông tin bạn hàng có thể liên lạc với hệ thống thương vụ để được hỗ trợ.