‘TP.HCM không còn lý do nói mình đánh mất vị thế khi đã được trao quyền hành động’
(DNTO) - TP.HCM vừa được trao thêm nhiều quyền tự quyết về ngân sách, tổ chức bộ máy… Theo chuyên gia, đây là cơ chế “khổng lồ” có thể giúp địa phương lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế.
Một cơ chế chưa từng có
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bình luận về chính sách phát triển TP.HCM, trong chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề "Kích hoạt động lực tăng trưởng", sáng 3/7.
Theo đó, Quốc hội kỳ này đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nguyên nhân là thời gian qua, TP.HCM đang “hụt hơi” trong tăng trưởng. Trong khi đây là đầu tàu kinh tế cả nước, theo tính toán, nếu TP.HCM tăng trưởng 10% sẽ đóng góp 1% tăng trưởng cho cả nước.
“TP.HCM từ trước đến nay vẫn là đầu tàu tăng trưởng, một vùng đất năng động, sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên, trong đầu năm nay, chúng ta đã chứng kiến một câu chuyện, TP.HCM phải phát đi gần 600 văn bản hỏi xin ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư. Điều này cho thấy TP.HCM không còn là vùng đất của sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nữa, nên cái gì cũng hỏi, cái gì cũng sợ. Chính trong bối cảnh như vậy, chúng ta nhìn thấy kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp nhất cả nước trong quý 1 (0,7%). Đầu tàu giờ trở thành đuôi tàu”, ông Cường nói.
Do đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với một tỷ lệ 97,37%, có lẽ cao nhất trong tất cả các nghị quyết từ trước đến nay, thể hiện sự đồng thuận rất cao của các đại biểu quốc hội, mong muốn TP.HCM có thể vực dậy.
Ông Cường cho rằng cơ chế đặc thù cho TP.HCM có lẽ cơ chế “khổng lồ” nhất, đến 44 cơ chế đặc thù. Trong đó 7 cơ chế chính sách đã được thông qua từ Nghị quyết 54 của Quốc hội, 4 chính sách đã thông qua cho các tỉnh địa phương khác có cơ chế đặc thù, 6 cơ chế chính sách là các nội dung còn đang nằm trong các dự thảo của Luật Đất đai… và 27 chính sách khác chưa có trong khuôn khổ pháp luật.
“TP.HCM không còn lý do gì nói rằng mình đánh mất vị thế khi đã được trao quyền để hành động. Rõ ràng, khi TP.HCM xốc lại được thì tính lan tỏa rất cao, cho cả vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời thúc đẩy cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực của cả nước”, ông Cường nhấn mạnh.
Mặc dù có nhiều chính sách cần thời gian thẩm thấu, nhưng theo vị này, cũng có chính sách mang lại tác động tức thời như chính sách tạo ra nguồn lực. Ví dụ TP.HCM hiện có quỹ tiền lương khá lớn nhưng chưa dùng hết thì nay được phép dùng quỹ đó đầu tư cho các dự án cần thiết. Hay địa phương này hiện không bị khống chế hạn mức vay tiền, có thể vay 120% phần thu ngân sách. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí… Đó là những nguồn lực có ngay để TP.HCM tạo ra nguồn lực đầu tư.
Nghị quyết cũng đưa ra những cơ chế để địa phương tự mình khai thác nguồn lực, tạo ra nguồn lực mới. Ví dụ cơ chế cho phép TP HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Như vậy các trục tuyến giao thông như Vành đai 3, đường sắt số 1… sau khi xây xong sẽ giảm tình trạng xây dựng vô tổ chức của người dân xung quanh, mà có thể được quy hoạch thành khu đô thị đầu tư tổng thể. Hay TP.HCM được quyền tổ chức cơ cấu bộ máy chính quyền…
“Rõ ràng TP.HCM được trao rất nhiều quyền quyết định đầu tư, quyết định khai thác nguồn lực. Hệ thống cơ chế chính sách này tác động khá đồng bộ cả về việc tạo nguồn lực, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Đó là những yếu tố tôi kỳ vọng TP.HCM sử dụng tốt nhất cơ chế này để tạo động lực”, ông Cường bình luận.
Cơ chế đã có, vấn đề còn lại là thực thi
GS.TS Hoàng Văn Cường cho biết trong tọa đàm với TP.HCM ngay sau Nghị quyết 98 tuần qua, lãnh đạo thành phố cho thấy một tinh thần rất sẵn sàng. Gần như các cơ chế, cách thức vận hành đã được chuẩn bị sẵn, phân công cho các cấp sở ngành, chỉ chờ đến tháng 8 tới, khi Nghị quyết có hiệu lực là các bộ máy sẵn sàng "chạy".
Đồng thời cũng có một số điểm trong Nghị quyết giao cho Chính phủ hướng dẫn, thì những Nghị định cũng đã được TP.HCM chuẩn bị sẵn với cơ quan Chính phủ. Kỳ vọng trong tháng 7 có thể ban hành Nghị định để đảm bảo tháng 8 có đầy đủ khuôn khổ pháp lý.
“Tôi thấy tinh thần đón nhận của TP.HCM khá chủ động, tích cực, kỳ vọng sẽ phân vai rất rõ đơn vị nào làm gì, trách nhiệm đến đâu. Tôi kỳ vọng Nghị quyết 98 sẽ không chậm như Nghị quyết 54. Bởi nếu một khâu nào đó trong bộ máy không hành động sẽ ách tắc cho khâu khác. Khi TP.HCM đã “dàn trận”, tôi cho rằng đây là chuẩn bị tốt”, ông Cường đánh giá.
Bên cạnh tài chính, TP.HCM được trao quyền trong việc tổ chức cơ cấu bộ máy. GS Cường kỳ vọng địa phương sẽ phân quyền rõ ràng giữa cấp thành phố và bộ máy bên dưới. Điều này giúp các sở, ban ngành không còn là cơ quan thực thi, mà trở thành cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược và thanh kiểm tra.
“Nếu không phân quyền, các cơ quan thành phố “ôm” hết, vừa là người thực hiện, vừa là người kiểm tra thì rất khó. Việc phân quyền cũng dễ dàng đánh giá kết quả đầu ra, không cần biết việc chấp hành đường lối chính sách đúng hay không, giao việc không hoàn thành là không hoàn thành nhiệm vụ. Việc trao quyền tuyển dụng, trả lương cho cán bộ sẽ giúp TP.HCM có cơ chế đánh giá ai làm tốt sẽ được vào vị trí tốt, trả lương nhiều hơn. Không phải cứ nhà khoa học, nghiên cứu mới được trả lương cao để thu hút, ngay cả những người làm quản lý giỏi cũng cần tăng lương để giữ chân”, ông Cường nhấn mạnh.