TP.HCM: Cán bộ trật tự đô thị 'dọa' phạt 15 triệu đồng với xe tải 'luồng xanh' vì giao hàng
(DNTO) - Sáng 20/9, tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, trong lúc đang giao hàng rau củ quả cho hàng quán trong khu vực, tài xế xe tải “luồng xanh” bị cán bộ trật tự đô thị tiến hành kiểm tra và báo phạt 15 triệu đồng vì lỗi giao hàng.
Thông tin chia sẻ từ tài xế V.T.T. cho hay, anh là lái xe thuê. Khoảng 10g ngày 20/9, xe tải mang biển kiểm soát BKS 66C-118.xx do anh điều khiển chở rau củ quả, có giấy nhận diện luồng xanh mã QR do Tổng cục Đường bộ cấp. Lịch trình di chuyển khai báo tại https://luongxanh.drvn.gov.vn cụ thể như sau: Xe di chuyển từ 134 Trần Hưng Đạo, Thành phố Cần Thơ đi đến đường Lê Thị Kỉnh, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Tuy nhiên, khi xe vào khu vực giao hàng ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM thì bị cán bộ trật tự đô thị cùng một số dân quân tự vệ chặn lại, không cho tiếp tục công việc, tạm giữ xe và các giấy tờ liên quan vì cho rằng tài xế vi phạm “quy định giao hàng”.
Video clip ghi lại sự việc
Tài xế V.T.T. bức xúc chia sẻ, trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trước khi di chuyển lái xe đều phải khai báo để được cấp mã QR, nên xe do anh điều khiển chỉ đi giao hàng đúng địa điểm cho phép. Lái xe chỉ chịu trách nhiệm giao hàng và bảo đảm phòng, chống dịch; sau khi hàng giao đến đúng nơi, các chủ hàng làm gì với hàng hoá, tài xế không có trách nhiệm quản lý.
Tại vị trí giao hàng, xe không dừng ở khu vực cấm dừng, cấm đỗ, nên khi cán bộ trật tự đô thị thông báo anh vi phạm quy định giao hàng, mức phạt là 15 triệu đồng, tài xế V.T.T. rất hoang mang. Vị cán bộ trật tự đô thị này chỉ để một phần bảng tên lộ ra ngoài nên anh T. chỉ biết người này tên Minh.
“Trong lúc làm việc, tôi có trình bày rõ các vấn đề liên quan như mã QR chứng nhận xe luồng xanh; giao hàng phù hợp quy định. Tôi chỉ giao hàng, còn việc bên nhận hàng buôn bán như thế nào thì tôi không biết, nhưng anh Minh trật tự đô thị vẫn quyết định giữ giấy tờ và buộc mang xe về trụ sở uỷ ban. Giờ bị giữ giấy tờ, giam xe, hàng hoá hư hỏng, thiệt hại vô cùng lớn... nhưng tôi không biết phải làm sao. Tôi đành chấp nhận đưa xe về trụ sở UBND xã Phước Kiển giải quyết.
Mãi đến gần 17g cùng ngày, khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi giữ xe tại ủy ban, tôi được cho lấy xe về, nhưng không có một lời giải thích hay văn bản gì. Sau đó, tôi có gửi lại một số cam ngọt "lấy thảo" cho anh em trong đội kiểm soát tại ủy ban", tài xế V.T.T. cho biết thêm.
Cùng ngày, Doanh Nhân Trẻ Việt Nam đã liên hệ với Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn để xác minh thêm về sự việc trên, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi cụ thể. Sau đó, phóng viên tiếp tục liên hệ cán bộ trật tự đô thị tên Minh, nhưng cũng không nhận được phản hồi.
Hiện, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung đang gồng mình chống dịch, cố gắng bằng mọi cách để đưa thành phố trở lại “bình thường mới”. Trong lúc này, các xe tải luồng xanh, tài xế lái xe giao hàng, xe ôm công nghệ... là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, đưa nhu yếu phẩm đến người dân một cách nhanh nhất, đồng thời góp phần phòng, chống dịch khi người dân hạn chế ra đường.
Nếu anh V.T.T. vi phạm "quy định giao hàng" như cán bộ trật tự đô thị tên Minh thông báo và phạt 15 triệu đồng thì việc xử lý nghiêm tài xế theo quy định pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, sau 8 tiếng giam xe và hàng hoá nhưng không có lời giải thích nào khiến vụ việc gây bức xúc cho giới tài xế và những người chứng kiến.
Từ vụ việc này, nhiều người dân cho rằng, quán triệt các hành vi sai phạm trong công tác điều hành, thi hành công vụ rất quan trọng và cấp thiết; ngoài ra, lợi dụng dịch bệnh để làm lợi cá nhân (nếu có) rất đáng lên án, cần xử lý nghiêm minh. Việc cán bộ trật tự đô thị và dân quân xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè có cách hành xử đúng hay sai, có lạm quyền hay không vẫn đang chờ câu trả lời từ lãnh đạo huyện để người dân được rõ.
Một số chức năng, quyền hạn của lực lượng trật tự đô thị:
1. Về trật tự giao thông đường bộ trên địa bàn quận đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường: Theo Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ.
2. Về đất đai: Theo Luật Đất đai ngày 26/11/2003 và Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
3. Về hoạt động xây dựng: Theo Luật Xây dựng ngày 26/11/2003 và Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.
4. Về Môi trường: Theo Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 12/5/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Doanh Nhân Trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.