Tín dụng mở rộng, cầu vốn trở lại, ngân hàng 'vén màn' chỉ tiêu lợi nhuận năm 2025

(DNTO) - Tín dụng năm nay được nhận định tích cực hơn khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, giải ngân tín dụng, vốn bị thắt chặt trong nhiều năm, đang dần được nới lỏng, tín dụng bán buôn tăng tốc.... là động lực cho các ngân hàng "đầu tàu" lên kế hoạch để lập kỷ lục mới về lợi nhuận năm 2025.

Các nhà băng đang chuẩn bị kế hoạch kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông thường niên với chỉ tiêu lợi nhuận tăng 10-20% so với năm 2024, thậm chí có nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 33%. Ảnh: TL.
Có nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 33%
Tính đến cuối năm 2024, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 15,08% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, theo số liệu trước đó Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5% so với đầu năm. Như vậy, chỉ trong khoảng nửa tháng cuối năm 2024, tín dụng toàn ngành đã tăng gần 2,6 điểm %, qua đó vượt mục tiêu nhà điều hành đặt ra từ đầu năm. Với mức tăng trưởng 15,08% kể trên, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2024 vào khoảng 15,6 triệu tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết kinh doanh vừa qua, lãnh đạo 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024, với lợi nhuận đều vượt mốc chục nghìn tỷ. Đứng đầu là Vietcombank với trên 42.200 tỷ đồng, tiếp đó là BIDV và VietinBank với hơn 31.000 tỷ đồng, Agribank với 27.900 tỷ đồng.
Dù không nằm trong nhóm các ngân hàng lợi nhuận chục nghìn tỷ, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng như: VIB (9.000 tỷ đồng), TPBank (7.600 tỷ đồng), SeABank (6.039 tỷ đồng), NamABank (4.545 tỷ đồng), Eximbank (4.188 tỷ đồng)…
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2025, các tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu vay vốn tiếp tục cải thiện và dự báo tăng trưởng tín dụng 3,4% trong quý đầu năm. Trong bối cảnh tình hình kinh doanh cải thiện, có tới 85,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương năm nay.
Theo đó, lãnh đạo các nhà băng đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn để chuẩn bị kế hoạch kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 thông qua, với chỉ tiêu lợi nhuận tăng 10-20% so với năm 2024, thậm chí có nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 33%.
Cụ thể, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 18/2, VPBank đã chia sẻ, với bối cảnh vĩ mô hiện nay, năm 2025, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20-25%. Trong đó, bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn là 2 phân khúc chiến lược, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng 30-40%.
Với kỳ vọng sức cầu tín dụng tiêu dùng cải thiện, VPBank dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng trước thuế. Năm 2025, Ngân hàng sẽ tạo ra cơ hội cho FE Credit quay trở về bứt tốc với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%.
Tại BIDV, Ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng 6-10%. Vietcombank cũng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng với tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%, huy động vốn trên thị trường 1 điều tiết phù hợp với tăng tín dụng, nợ xấu duy trì dưới ngưỡng 1,5%.
MB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 tăng trưởng 22% từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng 26%, dự kiến đạt trên 1 triệu tỷ đồng; huy động vốn dự kiến tăng trưởng 25%. Lợi nhuận trước thuế với mục tiêu tương đối an toàn với mức độ tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,7%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Đáng chú ý, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank cũng vừa thông qua đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,8%; huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%. Eximbank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2024. Nếu đạt được cột mốc này đây sẽ là kỷ lục lợi nhuận mới của Eximbank.
Nhận định về triển vọng của ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, nhìn chung lợi nhuận của các nhà băng năm nay sẽ tiếp tục đi lên, trong đó nhóm quốc doanh có thể tăng 12%, còn các ngân hàng tư nhân năng động có thể đến 20%. Công ty dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì mức 14-15% trong năm 2025.
"Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, tín dụng bán lẻ tăng tốc trong khi vay mua nhà cũng có dấu hiệu phục hồi khả quan, tín dụng bán buôn tăng tốc nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, giải ngân vốn, tín dụng bị thắt chặt trong nhiều năm đang dần được nới lỏng, chất lượng tài sản duy trì ổn định, giúp các ngân hàng chủ động hơn trong triển khai vốn. Qua đó, NIM năm 2025 của nhóm ngân hàng trên được kỳ vọng tăng 0,05 điểm % so với năm 2024", VCBS nhận định.

Dòng vốn tín dụng là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc giảm lãi suất để chia sẻ với bên vay hết sức cần thiết. Ảnh: TL.
'Ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ kinh tế'
Các ngân hàng cho biết những năm qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lãi suất liên tục giảm... Tính đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối 2023. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Nợ xấu được kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3%.
Tuy nhiên, không ít người dân và doanh nghiệp phản ánh vẫn phải vay với mức lãi suất cao, nhất là các khoản vay cũ với người vay mua nhà. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngành ngân hàng cần cần chia sẻ nhiều hơn nữa với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.
Thống kê cho thấy, năm 2024 có tới 8 ngân hàng đạt mức lợi nhuận "khủng" trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có ngân hàng chạm mức kỷ lục 42.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ riêng tháng 1/2025, cả nước đã có hơn 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tương đương 1/4 tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cả năm 2024).
Những con số đối nghịch này cho thấy bức tranh kinh tế - tài chính đang cần những giải pháp thấu tình đạt lý hơn, nhằm giảm thiểu khoảng cách giữa khu vực ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động.
Cũng tại hội nghị với các ngân hàng ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, ngành ngân hàng góp phần quan trọng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Trong bối cảnh lợi nhuận của phần lớn ngân hàng thương mại năm ngoái đều gia tăng. Thủ tướng cho rằng các nhà băng vẫn cần giảm chi phí, hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% năm nay, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới.
"Các ngân hàng kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi "nước nổi thì bèo nổi", Thủ tướng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, tín dụng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế khi các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán và trái phiếu còn vấn đề. Thông thường, để có 1% tăng trưởng kinh tế, tín dụng phải tăng 2 điểm phần trăm. Tức là, tín dụng năm nay phải tăng khoảng 16%. Điều này càng chứng tỏ vai trò của dòng vốn tín dụng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng sẽ tập trung tối đa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đạt tăng trưởng 8% trở lên. Theo đó, điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ linh hoạt theo tình hình thực tế, nếu lạm phát duy trì thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.
"Một trong những ưu tiên là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn vào nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ khai thác mạnh tín dụng tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp sẽ có động lực sản xuất", Thống đốc cho hay.