Tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được ghi nhận tốt hơn
(DNTO) - Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nghị quyết 19 của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội đánh giá cao. Một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn.
Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), hôm nay 21/1, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã tổ chức Hội thảo cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025.
Mức độ “tham nhũng vặt” tại Việt Nam vẫn còn nhiều
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh rằng, các Nghị quyết 19 và 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, cải cách về điều kiện kinh doanh là một nỗ lực lớn trong những năm qua.
Hầu hết các chỉ số của Việt Nam đều tăng điểm, mặc dù có những chỉ số không cải thiện nhiều về thứ hạng toàn cầu, do các nước khác cũng tiến hành cải cách. Cụ thể, xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam liên tục được cải thiện; hiệu quả logistics được cải thiện rõ nét…
Đáng chú ý, các nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh được ghi nhận. Trong giai đoạn 2017-2019, có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung này, với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh.
“Một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, càng ngày tiếng nói và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận tốt hơn”, bà Thảo nói.
Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, nâng cao chất lượng kinh doanh vẫn còn nhiều dự địa để cải thiện, hiện vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.
“Chất lượng môi trường kinh doanh dù đã cải thiện, song so với các nước Asean, chúng ta còn cách biệt về chỉ số. Điểm nghẽn trong nhiều năm là cấp phép xây dựng và quyền tài sản chậm thay đổi. Chỉ số về lĩnh vực tư pháp cũng chậm cải tiến, nhất là thủ tục giải quyết thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp”, bà Thảo cho hay.
Cũng theo bà Thảo, mức độ tham nhũng của Việt Nam vẫn rất cao, đặc biệt tham nhũng vặt còn nhiều. Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Hành lang pháp lý cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn thấp…
Cần phát huy vai trò của doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh
Đưa ra góc nhìn tổng quát về cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa mạnh mẽ, quyết liệt.
Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức. Cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng cần có sự đột phá…
Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo ông Đậu Anh Tuấn, cần phải có định hướng và chỉ đạo mạnh mẽ từ trên xuống.
Ngoài ra, phải thực hiện nguyên tắc nằm lòng: “Các nước làm được, ta làm được”. Đồng thời, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức độc lập. Quan trọng là chất lượng thực thi; thành tích cải cách phải được đánh giá độc lập và từ thực tiễn. Các kết quả cải cách nên có sự đánh giá độc lập và thực tiễn…
“Những mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: Trung tâm hành chính công tập trung và sự chuyên nghiệp của thủ tục hành chính; cà phê doanh nhân và mô hình đối thoại chính quyền – doanh nghiệp hiệu quả. Bác sĩ doanh nghiệp và những mô hình giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư…”, ông Tuấn nêu giải pháp.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng, có nhiều bài học được áp dụng để cải cách môi trường kinh doanh. Trong đó, bài học về sự khởi đầu gian nan, sự phản kháng luôn mãnh liệt, nên phải có sự chỉ đạo liên tục (trực tiếp, gián tiếp) của Thủ tướng Chính phủ, áp đặt từ trên xuống và liên tục có áp lực từ ngoài vào; khi có kết quả, hình thành động lực nội sinh (thuế, bảo hiểm, tiếp cận điện năng…).
Bài học nữa, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà không có cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm hầu như không thể thực hiện được. Điển hình là phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Nêu một số thuận lợi và thách thức đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, ông Cung cho biết: Về thách thức, các lĩnh vực và vấn đề cải cách khó hơn, phức tạp hơn; dư địa có thể triển khai ngay rất hạn hẹp.
Cũng theo ông Cung, cần đổi mới tư duy và cách thức làm luật. Luật pháp không phải để quản lý xã hội, mà là giải quyết các vấn đề xã hội nhằm thúc đẩy xã hội phát triển thịnh vượng hơn, công bằng, văn minh hơn.
“Tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, gia tăng, gia cố an toàn trong đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần khuyến khích chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Thúc đẩy và đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động và cạnh tranh công bằng theo nguyên tắc thị trường”, ông Cung nhấn mạnh.