Tỉ lệ lấp đầy cao, bất động sản công nghiệp vẫn đáp ứng nguồn cung lớn trong tương lai
(DNTO) - Tỉ lệ lấp đầy tương đối lớn dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung của bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, với nhu cầu về kho bãi ngày càng cao từ các nhà đầu tư, trong tương lai một lượng lớn nguồn cung mới sẽ được tung ra và đáp ứng với nhu cầu thực của thị trường.
Thiếu hụt nguồn cung do tỉ lệ lấp đầy cao
Theo Savills, trong nửa đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy trên toàn thị trường đạt 73,7%. Thống kê 6 tháng đầu năm, dòng vốn FDI đã đổ khoảng 6 tỉ USD vào các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng mạnh từ 2018 đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu có thêm các khu công nghiệp mới trên các địa bàn trọng yếu.
Khu vực phía Nam, TP.HCM đạt tỷ lệ lấp đầy 88%, 99% ở Bình Dương, 94% ở Đồng Nai, 84% ở Long An, 79% ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở phía Bắc, tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.
Dự kiến, làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao hơn. Đồng Nai đang quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp.
Sẽ có thêm nhiều nguồn cung mới
Theo thông tin từ Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 6/2020, cả nước có 374 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 114 nghìn ha, trong đó 280 khu đã đi vào hoạt động và tiếp tục mở rộng thêm trên 77.000 ha. 75 khu mới mở rộng thêm 29.000 ha và đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, 17 khu kinh tế ven biển sẽ bổ sung khoảng 845.000 ha nguồn cung cho thị trường.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Võ Tấn Đức đã công bố kế hoạch xây dựng bốn khu công nghiệp mới ở Long Thành. Xã Phước Bình sẽ có thêm 2 khu công nghiệp, quy mô 900 ha, mỗi khu công nghiệp cho thuê thêm khoảng 500 ha. Các xã Tân Hiệp và Bình An mỗi xã sẽ phát triển một khu công nghiệp.
Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam - Vingroup có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào công ty con là công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp Vinhomes. Hai dự án đầu tiên của tập đoàn sẽ là tại Hải Phòng, bao gồm khu công nghiệp Nam Tràng Cát với tổng diện tích 200 ha; và khu công nghiệp Thủy Nguyên có tổng diện tích 319 ha. Dự kiến hai khu công nghiệp sẽ đi vào hoạt động năm 2021.
Trong quý 4/2021, khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh mới với quy mô 238 ha của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City) sẽ mang lại nguồn cung cần thiết cho tỉnh Bắc Ninh. Trong cùng quý này, TNI Holdings Việt Nam sẽ khai trương khu công nghiệp Sông Lô 1 với diện tích 177 ha tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại tỉnh Long An ở phía Nam, Công ty cổ phần TIZCO và Công ty Cổ phần Quản Lý khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) sẽ tham gia đầu tư góp vốn vào khu công nghiệp Việt Phát với tổng diện tích 1.800 ha vào năm 2021.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế (DEZM) công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Các khu công nghiệp này sẽ được bổ sung vào nguồn cung hiện tại, bao gồm 374 khu đã được thành lập. Trong số các địa điểm mới này, 259 khu với tổng diện tích 86.500 ha vẫn chưa được thành lập, chiếm 43,1% tổng diện tích mới.
Theo Phó Vụ trưởng Trần Quốc Trung - Vụ Quản lý các Khu kinh tế cho biết: “Trước hết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả trong việc quy hoạch tổng thể. Kế hoạch là bổ sung thêm vào các khu công nghiệp truyền thống nhiều sản phẩm ngách hơn như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình khu công nghiệp kết hợp đô thị - dịch vụ”.
Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp cũng sẽ cần tiếp tục được cải thiện. Các chính sách, cơ chế và quản lý đang được hoàn thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động. Những sáng kiến mới và hành động này sẽ vô cùng cần thiết để Việt Nam có để đón làn sóng đầu tư và dịch chuyển sản xuất.
Vị trí của các dự án mới rất quan trọng vì hầu hết nhu cầu về sản xuất và dịch vụ hậu cần kho bãi vẫn phụ thuộc vào các tỉnh công nghiệp trọng điểm hoặc các địa phương cấp 1. Các dự án ở địa phương cấp 2 sẽ cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài với giá thuê cạnh tranh hơn và nguồn cung đất trống dồi dào hơn. Việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và kết nối mạng lưới giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong lộ trình phát triển của các địa phương này.
Nhu cầu cao đẩy giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh
Nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các khu công nghiệp gần các thành phố lớn leo thang. Tại miền Nam, giá thuê đất trong các khu công nghiệp năm 2020 đạt 147 USD m2 tại TP.HCM, 107 USD/m2 tại Bình Dương, 98 USD/m2 tại Đồng Nai, 123 USD/ m2 tại Long An và 65 USD/m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại miền Bắc, giá thuê tại Hà Nội lên đến 129 USD/ m2 , Bắc Ninh là 95 USD/m2 , Hưng Yên lên 83 USD/m2 , Hải Dương là 76 USD/m2 và Hải Phòng lên tới 96 USD/m2 .
Sự gia tăng của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê
Nhà xưởng và nhà kho xây sẵn vẫn là phân khúc thu hút nhu cầu cao từ các khách thuê không muốn đưa ra cam kết thuê đất dài hạn do phụ thuộc chủ yếu vào các đơn hàng ngắn hạn. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê chạy đua trong việc bổ sung nguồn cung đất công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng.
Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BWID) với hơn 500 ha tại 10 địa điểm thuộc 8 thành phố trọng điểm, tăng từ 209 ha trong nửa đầu năm 2018, tiếp tục mở rộng với tư cách là nhà phát triển bất động sản công nghiệp cho thuê lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm của BWID đa dạng, bao gồm nhà xưởng/nhà kho xây sẵn (RBF/RBW) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS).
Các nhà phát triển kho vận toàn cầu đã tham gia vào thị trường bất chấp đại dịch đang diễn ra. Logos Property từ Úc đầu tư vào Việt Nam thông qua một liên doanh (JV) phát triển logistics trị giá 350 triệu USD. GLP - nhà phát triển kho lớn nhất ở châu Á, đang lên kế hoạch liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD với SEA Logistics Partners (SLP). Công ty Mirae Asset Daewoo Co và Tập đoàn Naver của Hàn Quốc cùng đầu tư 37 triệu USD vào trung tâm logistics LogisValley tại tỉnh Bắc Ninh.
Hầu hết các giao dịch cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án đang thực hiện hoặc các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2019. Nhiều hợp đồng thuê mới đến từ các doanh nghiệp đã thành lập đang muốn mở rộng. Các hạn chế đi lại quốc tế đã hạn chế các nhu cầu “thâm nhập thị trường” mới hoặc trì hoãn việc thăm quan thực địa của các nhà đầu tư quốc tế quan trọng. Tất cả những điều đó đã khiến số lượng giao dịch thuê trên thị trường giảm xuống. Sự phụ thuộc của khu vực vào chuỗi cung ứng di dời ra khỏi Trung Quốc ngày càng rõ ràng với nhiều chủ đầu tư kỳ vọng vào một năm bận rộn khi các hạn chế được dỡ bỏ.