Loanh quanh Sài Gòn ôn cố tri tân
(DNTO) - Tập sách "Loanh quanh Sài Gòn" của tác giả Lê Công Sơn, là những lát cắt thú vị giúp người đọc có dịp lần giở những trang lịch sử của thành phố sầm uất nhất vùng đất phương Nam với nhiều phát hiện bất ngờ, độc đáo.
Với thế mạnh là một nhà báo viết về lĩnh vực văn hoá, đi nhiều và có tính phát hiện, Lê Công Sơn đã dành tình cảm và tâm sức khi thực hiện tập sách, dù anh tự nhận mình chỉ là một tân binh, lần đầu thử sức viết về nơi anh gắn bó đã hơn 30 năm.
Qua 400 trang của Loanh quanh Sài Gòn, người đọc thấy như mình được quay ngược thời gian trở về với quá khứ. Hình ảnh con người, di tích, kiến trúc cũng như những câu chuyện “thâm cung bí sử” đằng sau những di sản văn hoá, lịch sử... hiện ra như song hành với đời sống hiện tại, một cách sống động.
4 phần chính của tập sách: Miền ký ức, Chốn tâm linh, Chuyện người Sài Gòn, Di sản và báu vật, là những câu chuyện về di tích, đình chùa, lăng mộ, nhà thờ cổ, hay những con người nổi tiếng đã gắn bó với mảnh đất này, trở thành một phần không thể thiếu của Sài Gòn như nhân vật chú Hoả, nhà văn hoá Vương Hồng Sển, bà Năm Sa Đéc…
Bằng cách kể chuyện nhẩn nha, nhẹ nhàng, không tham vọng mang tính khảo cứu, Lê Công Sơn chú trọng vào những điểm nhấn nhằm thu hút người đọc. Như việc miêu tả di tích dinh Độc Lập, anh chú ý chi tiết cách bố trí phòng ngủ vợ chồng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, một cách giúp người đọc hiểu đâu là những thông tin chính xác và thêu dệt về di tích nổi tiếng này.
Hay câu chuyện về ngôi trường Lê Quý Đôn gần 150 năm tuổi, là nơi cố Quốc vương Norodom Sihanouk (Kampuchia) từng học, với kỷ niệm mà ông chưa thể thực hiện được. Đặc biệt, thông tin về tòa nhà La Sainte Enfance, công trình kiến trúc đầu tiên của người Việt ở TP.HCM, được xây dựng thời gian 1862-1864 do Nguyễn Trường Tộ thiết kế, hiện, tòa nhà này tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, là những nội dung hàm chứa nhiều giá trị.
“Hàng ngày, cuộc sống bon chen mưu sinh “cơm áo gạo tiền” khiến chúng ta bỏ rơi khá nhiều điều. Sự quan tâm đến ký ức, di sản, truyền thống… liệu có còn không, khi phía trước đầy rẫy nỗi lo toan. Trong khi đó, Sài Gòn còn đó rất nhiều câu chuyện di tích, mộ cổ, đình chùa kể mãi vẫn không hết.
Nếu có thời gian, hãy thử làm chuyến ngược dòng lịch sử, mọi người sẽ phát hiện ra nhiều công trình kiến trúc xưa, hiện vật quý… tưởng chừng đã lãng quên theo thời gian vẫn đang mỗi ngày song hành với thực tại. Thực ra chẳng có gì là giấu diếm hay che mờ cả ở đây cả, vấn đề là chúng ta ít dành thời gian để khám phá Sài Gòn thôi…”, Lê Công Sơn chia sẻ lý do anh chọn đề tài này.
Không chỉ loanh quanh để khám phá Sài Gòn, Lê Công Sơn bằng sự tri ân và tình cảm dành cho mảnh đất đã gắn bó, cưu mang anh trong những ngày khó khăn lập nghiệp lúc thanh xuân cho đến khi trưởng thành, mà anh còn đau đáu trước những di sản, hiện vật quý có nguy cơ mai một và mất đi trước cuộc đấu tranh bảo tồn và phát triển. Tìm gặp những nhà quản lý, đặt vấn đề, hiến kế, đằng sau những con chữ, bạn đọc cảm nhận sự trăn trở của anh trước thực tế còn nhiều bất cập qua các bài viết: Metro… né di tích, Khi di tích chống gậy, Bàn cách “đánh thức” di sản, Hiến kế bảo tồn dinh Thượng Thơ…
Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng: “Với trách nhiệm công dân và cũng nhằm thể hiện “đền ơn đáp nghĩa” về nơi chốn nghĩa hiệp đã cưu mang từ ngày anh ngoài Quảng Nam vào đây lập nghiệp, Lê Công Sơn đã có Loanh quanh Sài Gòn. Qua tập sách này, khi đọc cũng là dịp chúng ta càng yêu thêm Sài Gòn-TP.HCM khi biết thêm những vấn đề thuộc lịch sử của một vùng đất mà anh đã nặng tình thể hiện qua từng trang sách…”.
Trong rừng sách viết về Sài Gòn - TP.HCM đang được nhiều bạn đọc yêu thích, trong đó có nhiều bạn trẻ, tập sách Loanh quanh Sài Gòn góp thêm một lựa chọn giúp bạn sống chậm hơn, quan sát nơi ngày thường vội lướt qua, để thêm yêu thành phố hiện đại này.
Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản và phát hành.