Thủ tướng: Sẵn sàng đối thoại với nhà đầu tư trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
(DNTO) - Trao đổi với các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: Trong lúc khó khăn nhất bởi dịch Covid-19, tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả các cuộc đối thoại với các hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Việt Nam với tinh thần 'đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ'.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng nay 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới cộng đồng các tổ chức quốc tế, trong đó có nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên do Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, tổ chức, với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới".
Thông tin khái quát về quá trình phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2021, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP quý 4 đã hồi phục, đưa GDP cả năm tăng 2,58%, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm… Cùng với đó, Việt Nam bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Vượt qua khó khăn của năm 2021, Thủ tướng đánh giá là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; Sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
"Trong lúc khó khăn nhất, tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả các cuộc đối thoại với hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Việt Nam với tinh thần 'đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ'. Các bạn đã cùng đồng hành giúp Việt Nam vượt qua thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh gây ra", Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều khó khăn như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, lạm phát còn nhiều sức ép… Tuy nhiên, Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu từ bối cảnh khó khăn của năm 2021. Cụ thể, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên trì, sáng suốt lựa chọn con đường, giải pháp phù hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác...
Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế quy mô 350.000 tỷ tập trung cho nhiều nhóm giải pháp
Trao đổi với cộng đồng nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới".
"Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh", Thủ tướng cho biết.
Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội...
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.
Trong điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.