Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Phải có hệ thống logistics toàn quốc cho nông sản
(DNTO) - Hiện, chi phí logistics trong giá thành sản phẩm nông nghiệp của nước ta chiếm từ 12-38%, đây là con số rất cao so với các nước trong khu vực. Điều này đòi hỏi hệ thống logistics phải sớm hoàn thiện rộng khắp.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”, chiều 24/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục triệu tấn nông sản ra thế giới, đem về gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nông sản nguyên liệu phải vận chuyển lòng vòng qua nhiều công đoạn khiến chi phí logistics chiếm 12-38% trong giá thành sản xuất nông sản.
"Chi phí logistics đối với nông sản của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực. Do vậy, cần phải có hệ thống logistics hoàn chỉnh cho nông sản trong phạm vi cả nước. Cái này không làm giống hệ thống logistics của ngành giao thông hay ngành thương mại, mà phải có tính đặc thù của nông sản”, ông Nam cho hay.
Cụ thể, theo ông Nam, dịch vụ logistics nông nghiệp có tính khác biệt phải gắn với các vùng sản xuất, phải đảm bảo một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Logistics trong nông nghiệp cần được chú trọng vào đầu tư phát triển các hạ tầng kho, bãi; vận tải lạnh, các dịch vụ đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm...
Thứ trưởng Nam cho rằng, để tháo gỡ hạn chế, đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản hàng hoá, doanh nghiệp cần có những trung tâm logistics khu vực. Trước mắt, các ngành và địa phương sẽ sớm thực hiện các giải pháp để hình thành trung tâm logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, tại trung tâm này tập trung các dịch vụ công có chức năng quản lý, hỗ trợ xuất nhập khẩu; có nơi tập kết hàng hoá nông sản, sơ chế, chế biến sâu; xây dựng hệ thống chuỗi kho lạnh để giảm bớt những tiêu hao trong quá trình vận chuyển, kiểm dịch, bảo quản và có thể cung cấp các dịch vụ khác như cung cấp thông tin cung cầu thị trường, tổ chức đấu giá...
Hiện các bộ ngành cũng đang phối hợp với các địa phương thực hiện đề án nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản từ hoạt động logistics. Trong đó tập trung phát huy vai trò các hiệp hội doanh nghiệp, với các thương lái ở đầu nguồn thu hoạch, thu mua nông sản chủ động kết nối vào chuỗi hệ thống chung.
Góp ý tại hội thảo, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, vấn đề logistics liên quan rất nhiều đến quy hoạch và quy hoạch logistic liên quan đến quy hoạch của nhiều ngành khác. Do đó, theo ông Hiệp, công tác quy hoạch logistics cần được dự báo sớm để đưa vào quy hoạch chung.
Cũng theo ông Hiệp, hiện TP.HCM có nhiều chợ đầu mối lớn, tại đây các thương lái, các đầu mối, mạng lưới đã có sẵn. Do đó, có thể tận dụng những khu chợ này để phát triển thành trung tâm logistics.