Thứ trưởng Bộ Công thương: Năm 2023 được nhận định là đỉnh điểm khó khăn
(DNTO) - Thứ trưởng Phan Thị Thắng thẳng thắn nhìn nhận, dù ngành công thương đã về đích với kết quả tốt nhưng vẫn còn một số điểm “mờ” cần chú trọng cải thiện để năm 2024 bứt phá.
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương, sáng 20/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết năm 2023 được nhận định là đỉnh điểm khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, kéo theo sản xuất công nghiệp khó khăn.
Với nỗ lực, chỉ số sản xuất toàn ngành năm 2023 vẫn tăng khoảng 2,3% so với năm trước, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%;
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022. Đặc biệt, thị trường trong nước tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 9,6%, vượt kế hoạch đề ra (8-9%).
Tuy vậy, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn chỉ rõ, dù cán đích với kết quả tốt nhưng ngành công thương vẫn còn một số điểm “mờ”. Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Quy mô xuất khẩu giảm khoảng 4,6% so với năm trước, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn lớn; cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu. Tăng trưởng thương mại nội địa chưa đạt mức tăng trưởng so với trước dịch; tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm dần.
Năm 2024, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9%..., góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%.
Đóng góp ý kiến, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Kim Phương cho biết trong lĩnh vực logistics, việc thành lập các trung tâm, khu hậu cần dịch vụ logistics đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, vì các dự án trên không thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng, thống nhất về “trung tâm logistics”, mặc dù thuật ngữ này đã được sử dụng phổ biến trong các văn bản cấp Trung ương.
“Luật Đất đai thì hiểu logistics là kho, bãi để hàng, thuộc loại đất thương mại, dịch vụ; Luật Giao thông vận tải thì đưa ra khái niệm “cảng cạn”; Luật Xây dựng thì hiểu đó là kết cấu hạ tầng “kho tàng”... Dù thành phố Đà Nẵng định hướng logistics là một trong những lĩnh vực mũi nhọn nhưng những hạn chế về nền tảng pháp lý và thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đã ảnh hưởng đến sự phát triển lĩnh vực này trong thời gian qua”, bà Phương cho biết.
Vị này đề nghị Bộ Công thương có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung loại dự án “Đầu tư xây dựng trung tâm logistics” như một trường hợp được thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về lĩnh vực năng lượng, đại diện Đà Nẵng cho biết thành phố đã ban hành Đề án “Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc xe ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện” nhưng chưa có quy định, hướng dẫn liên quan. Vị này đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành hướng dẫn về Giấy phép hoạt động điện lực, giá bán điện, tiêu chuẩn kỹ thuật trạm sạc và phòng cháy chữa cháy...
Lãnh đạo Bộ Công thương nhìn nhận năm 2024 là năm bứt phá, quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy ngay từ đầu năm phải khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ như tái cơ cấu ngành công thương, khai thác hiệu quả các FTA, phát triển mạnh thương mại nội địa...
Đặ biệt Bộ Công thương cho biết sẽ chú trọng giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, thương mại.