Thị trường chứng khoán thế giới tăng, Mỹ nghỉ lễ Tạ ơn
(DNTO) - Cổ phiếu trên thị trường thế giới tăng, ảnh hưởng theo bản báo cáo cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ - cho thấy triển vọng giảm tiến độ tăng lãi suất. Thị trường chứng khoán Mỹ sau khi đã có mức tăng tương tự, đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn.
Hôm nay là ngày nghỉ lễ Tạ ơn tại Mỹ nên mật độ giao dịch thấp hơn do thị trường chứng khoán tạm ngừng làm việc, nhưng các chỉ số chứng khoán vẫn tăng.
Hợp đồng tương lai S&P 500 nhỉnh lên 0,3%, đã tăng ba ngày liên tiếp. Vào lúc 4g sáng (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,2%.
Các thị trường giao dịch chứng khoán ở châu Âu và châu Á đã đồng loạt nối đuôi tăng theo thị trường Mỹ. Trong phiên giao dịch trưa cùng ngày, chỉ số Stoxx Europe 600 Index đã lên 0,5%, với ngành bất động sản vực dậy ngoài dự đoán. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lên thêm 1% và Hang Seng của Hồng Kông nhỉnh 0,8%.
Cổ phiếu công ty sản xuất giày dép Dr. Martens Plc giảm thấp kỷ lục sau khi công bố lợi nhuận thấp hơn dự kiến.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World index đã kéo dài chuỗi 3 ngày tăng liên tiếp.
Các chỉ số chứng khoán toàn cầu đang được tận hưởng một “làn gió mới” nhờ có tin bản báo cáo cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Hoa kỳ (Fed) được tung ra vào hôm qua, 24/11. Bản báo cáo đã cho thấy nhiều quan chức Fed ủng hộ việc giảm tiến độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Dự đoán khả quan là tháng 12 sẽ chỉ thấy một mức tăng 0,5%, kết thúc chuỗi tăng “kinh dị” 0,75% trong các tháng trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra mức lãi suất đỉnh điểm vẫn sẽ giữ nguyên, dự kiến chạm ngưỡng 3,75% đến 4% vào 2023.
Đã có một sự xuống dốc trong các chỉ số đo đạc sức mạnh của đồng đô la so với các tiền tệ khác. Bloomberg Dollar Spot Index rớt 0,2% và WSJ Dollar Index tuột 0,4%.
Trái phiếu châu Âu dâng cao khi các nhà đầu tư điều chỉnh “canh bạc” vào mức tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Một số quan chức của ECB đã ủng hộ cho biện pháp tăng lãi suất nhẹ để khống chế lạm phát. Nhưng họ cũng đã chỉ ra mức tăng lãi suất sẽ đi kèm theo các chính sách bó buộc tiền tệ khác.
Các chỉ số dầu hoả đang có chiều hướng đi xuống, trong bối cảnh hội đồng Liên minh Châu Âu đang bàn bạc về việc giới hạn mức giá dầu của Nga - có thể sẽ dẫn đến tăng trữ lượng cung ứng toàn cầu. Một giới hạn mức giá dầu cao hơn đang được xem xét, giúp tránh xung đột với Nga - theo Callum Bruce, chuyên gia phân tích của Goldman Sachs.
Bank of America Corp. cho biết các khách hàng tư nhân của họ đang rời bỏ cổ phiếu và đổ xô vào đầu tư trái phiếu, lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong khi đó ở châu Á, tâm điểm vẫn là phản ứng của chính quyền Trung Quốc với dịch Covid-19. Quốc gia này đang chống chọi với đợt bùng nổ số ca lây nhiễm cao nhất từ trước đến nay. Các chính sách mạnh tay của chính quyền Trung Quốc đang làm mờ nhạt hy vọng nước này sẽ mở cửa trở lại. Lo ngại ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đó.
Tại Malaysia, chỉ số chứng khoán quốc gia đã tăng 4%, một mức kỷ lục tính từ tháng 4/2020. Đây là ảnh hưởng của đợt bầu cử vừa qua, với thủ lĩnh phe đối lập Anwar Ibrahim trở thành thủ tướng. Đồng ringgit của Malaysia tăng 1,8% so với đồng đô la.