Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm khi hy vọng từ Fed nhạt nhòa

(DNTO) - Các nhà đầu tư xem xét các thông tin doanh số bán lẻ, vẫn mong đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm mức tăng lãi suất. Chiều hướng lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ cho thấy dấu hiệu suy thoái kinh tế đang đến gần.

Các chỉ số chứng khoán chủ đạo tại thị trường Mỹ. Ảnh: Wall Street Journal.
4g sáng thứ Năm, 17/11 (giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch với kết quả: Chỉ số S&P 500 mất 32.94 điểm, tương đương 0.8%, đến ngưỡng 3958.79. Chỉ số chuyên ngành công nghệ Nasdaq Composite Index rớt 174.75 điểm (1,5%), xuống còn 11183.66. Dow Jones Industrial Average sụt giảm 39.09 điểm, 0,1%, còn lại là 33553.83.
Trong ngày, các nhà đầu tư đã xem xét nhiều thông tin cho thấy tình trạng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tại Mỹ. Một báo cáo vừa được tung ra cho thấy doanh số bán lẻ tại thị trường Mỹ tăng trong tháng 10, lên 1.3% so với tháng trước. Con số này vượt qua dự đoán 1.2% của các chuyên gia kinh tế. Điều này cho thấy thị trường tiêu dùng vẫn còn khá chắc chắn, tuy chịu áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất cho vay trong mấy tháng qua. Nhưng cũng rất có thể nỗ lực kìm hãm lạm phát của Fed cần có thời gian để gây “sóng” trong nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Hãng bán lẻ Target có doanh số thua các đối thủ của mình. Ảnh: Wall Street Journal.
Bên cạnh đó, hãng bán lẻ Target đã công bố các con số doanh thu đáng thất vọng, lấy lý do người tiêu dùng “nhát tay” mua sắm, lo ngại viễn cảnh kinh tế ảm đạm. Ngay sau đó, giá cổ phiếu Target rớt 13%, còn $155.47/ cổ phiếu. Trái ngược với hình ảnh đó, hãng bán lẻ vật liệu xây dựng Lowe’s báo cáo doanh số cao hơn dự đoán, nhờ có nhu cầu tân trang nhà cửa. Cổ phiếu của Lowe’s đã tăng 3%, lên thành $215.13. Trước đó, chuỗi siêu thị Walmart Inc. đã công bố doanh số có chiều hướng khả quan.
Trong những ngày vừa qua, cũng đã có rất nhiều thông số cho thấy lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu chậm dần. Nhưng các quan chức của Fed cho ra các dấu hiệu trái ngược, không rõ ràng về việc liệu họ có ngưng hoặc giảm mức tăng lãi suất hay không. Các chỉ số bán lẻ khả quan như trên lại có thể giúp Fed tự tin hơn vào kế hoạch tiền tệ cứng rắn. Goldman Sachs Group Inc. hiện đang dự đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 5% hay 5.25% trong năm tới, tăng cao hơn so với mức 4.75%-5% trước đó.
“Thị trường vào lúc này chỉ cố gắng bám víu vào bất kỳ tin gì được tung ra, và thường phản ứng thái quá, dù đó là tin tốt hay tin xấu" - theo lời Sandi Bragar, Giám đốc của Aspiriant. “Các nhà đầu tư chẳng qua đang ở thời điểm bi quan, khi họ nghĩ rằng khả năng giá cổ phiếu sẽ đi xuống trong năm 2023 là rất cao”.
Hơn thế nữa, một xu hướng đáng ngại đang diễn ra: thị trường trái phiếu tiếp tục nghịch đảo. Mức chênh lệch giữa hai trái phiếu 10 năm và 2 năm của Mỹ đã rớt xuống còn âm 0,670%, một con số thấp nhất kể từ 1982. Lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,693%, từ mức 3,798% vào cuối ngày thứ Ba. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn hai năm tăng khiêm tốn lên 4,363% từ 4,359%. Lợi tức giảm khi giá trái phiếu tăng. Đây là một dấu hiệu mấu chốt mà Phố Wall dùng để đo đạc khả năng suy thoái kinh tế.
Các chuyên gia lo ngại Fed sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lạm phát, và tiếp tục tăng lãi suất, tăng hiểm hoạ cho một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ hơn nữa. Với bối cảnh như thế, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ vẫn còn rất hỗn loạn trong thời gian tới. Chỉ có các phân khúc thiết yếu là không bị ảnh hưởng nhiều, trong đó bao gồm ngành dịch vụ tiện ích công cộng, y tế và sức khoẻ. Còn cổ phiếu những công ty công nghệ, các công ty cung cấp cho người tiêu dùng, sẽ rất nhạy cảm với lo ngại suy thoái kinh tế.
Ở những nơi khác:
- Tền tệ ảo giảm nhẹ, ổn định dần sau đợt khủng hoảng do sàn giao dịch FTX sụp đổ. Bitcoin mất 2% giá trị, còn lại $16,538.05. Ether rớt 2,8%, giao dịch ở mức $1,211.08.
- Chỉ số dầu hoả quốc tế Brent crude, mất 1,1%, xuống còn $92.86/ thùng.
- Chỉ số dầu hoả Mỹ West Texas Intermediate xuống 1,7%, còn $85.48/ thùng.
- Chỉ số chứng khoán Châu Âu Stoxx Europe 600 sụt 1%, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh Quốc mất 0,2%, nước này đang phải đối mặt với một mức lạm phát cao nhất trong vòng 41 năm qua.
- Các con số không đồng đều tại thị trường Châu Á. Chỉ số Nhật Bản Nikkei 225 tăng 0,1%, chỉ số Hồng Kông Hang Seng giảm 0,5%, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc bị mất 0,4%.