Tăng giá bán xi măng: Doanh nghiệp lý giải gì?
(DNTO) - Theo lý giải từ các doanh nghiệp sản xuất xi măng, việc các doanh nghiệp này đồng loạt điều chỉnh tăng giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/tấn sản phẩm là do chi phí đầu vào như điện, than, xăng dầu, giá cước vận chuyển và giá nhân công tăng.
Trong tháng 4/2021, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã điều chỉnh tăng giá từ 30.000-40.000 đồng/tấn sản phẩm. Cụ thể như Công ty TNHH Thương mại xi măng Công Thanh khu vực miền Trung thông báo điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) từ ngày 15/4 áp dụng với tất cả các sản phẩm xi măng Công Thanh bao KPK đối với các nhà phân phối tại khu vực miền Trung. Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 30.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả các sản phẩm xi măng bao và rời. Điều chỉnh này áp dụng cho tất cả các nhà phân phối và đại lý trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Mức điều chỉnh tăng giá này cũng được Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn công bố áp dụng từ ngày 21/4.
Một loạt các doanh nghiệp sản xuất xi măng khác như: Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Long, Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành, Nhà máy Xi măng Duyên Hà và Công ty xi măng Long Sơn cũng công bố điều chỉnh tăng giá bán 40.000 đồng/tấn sản phẩm từ thời điểm 21/4.
Theo ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), việc tăng giá này đã được các doanh nghiệp cân nhắc và tính tới từ cuối năm 2020 dựa trên sự cân đối chi phí đầu vào, đầu ra của sản phẩm và khả năng bán hàng của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tăng giá của các doanh nghiệp vào thời điểm này là hợp lý bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước vận chuyển và giá nhân công liên tục tăng giá.
Ông Lương Đức Long cho biết thêm hiện nay giá xi măng đến tay người tiêu dùng tại khu vực phía bắc dao động từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/ tấn, tại khu vực miền Nam giá bán từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/ tấn sản phẩm. Lý giải về tình trạng giá xi măng tại khu vực miền Nam cao hơn miền Bắc theo ông Long là do sản xuất tại chỗ của miền Nam không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Mỗi năm phải chuyển từ miền Bắc vào miền Nam khoảng 15 đến 16 triệu tấn xi măng.
“Sản xuất tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với việc phải chịu cước phí vận chuyển cao từ Bắc vào Nam nên giá xi măng tại miền Nam cao hơn là điều dễ hiểu”, ông Lương Đức Long phân tích.