Tại sao có quá ít tên tuổi tài phiệt Mỹ trong hồ sơ đen Pandora?
(DNTO) - Thế giới rất tò mò và hiếu kỳ về tên tuổi những người giàu có các nước đang nằm trong danh sách nợ đen, trốn thuế mà hồ sơ Pandora phanh phui, tiết lộ. Thế nhưng, điều mà các nhà báo đều thắc mắc, là vì sao lại có rất ít tỷ phú Mỹ bị nhắc đến trong tài liệu mật này
Hồ sơ Pandora với 11,9 triệu tài liệu thu thập từ 14 công ty dịch vụ tài chính được ICIJ (Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế) công bố đang làm dậy sóng thế giới thương trường. Thế nhưng đến bây giờ dân nhà báo cứ thắc mắc một dấu hỏi trước đây ít ai để ý.
Đó là tại sao trong khi Pandora khui ra những "phốt" tài chính trốn thuế rửa tiền của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, doanh nhân và nhân vật nổi tiếng… nước ngoài thì lại có rất ít người Mỹ giàu có bị nhắc đến?
Theo sự rành rẽ của những người trong cuộc, lý do chính khiến những đại phú gia Mỹ có tên thưa thớt trong Pandora là vì mối lợi về chi phí cho việc giấu diếm các tài khoản nước ngoài của họ khỏi Tổng vụ Thu thuế Quốc gia IRS là chẳng đáng là bao, nên giới này không muốn “nhúng chàm”.
Bởi xét về cấu trúc pháp lý, luật thuế của Hoa Kỳ rất thuận lợi cho những người Mỹ giàu có, vì họ có thể chuyển những gì thu nhập bị đánh thuế theo khung liên bang cao nhất (37%) thành thu nhập vốn dài hạn (LTCG), chỉ bị đánh thuế từ 0% đến 20% tùy thuộc vào hoàn cảnh. Bên cạnh đó Bộ luật thuế Mỹ lại không đánh thuế lợi tức vốn hàng năm, mà thay vào đó, chỉ đánh thuế chúng khi lợi nhuận được thực hiện, tức là khi tài sản cuối cùng được bán đi.
Đây là lý do tại sao những người đàn ông giàu nhất nước này như Elon Musk, Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg vốn sở hữu giá trị tài sản ròng tăng hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng chỉ phải trả thuế cho số lượng cổ phiếu – Tesla, Amazon hoặc Facebook - mà họ thanh lý trong năm ấy, cộng với mức lương tượng trưng mà các ông chủ này nhận lãnh.
Thế nhưng, ngay cả mức thuế trên thu nhập vốn dài hạn LTCG cao nhất cũng chỉ là 23,8%, bao gồm cả thuế thu nhập đầu tư ròng NII, vẫn khá thấp so với với khung thuế cao ở nhiều nước công nghiệp phát triển khác. Mặt khác chúng lại được thực hiện trên cơ sở công bố đầy đủ cho cục thuế, và với sự tư vấn của những công ty luật thuế quốc tế sừng sỏ, các tỷ phú chẳng lo gặp rắc rối.
Thế nên nếu “trốn” để bị phạt, giới nhà giàu này thực ra không ngại mất tiền lắm mà sợ nhất là lo thiệt hại cho cổ phiếu dẫn đến giảm giá trị tài sản ròng họ đang sở hữu. Đó là lý do khiến họ chẳng dại gì mà tuồn vốn ra nước ngoài để né thuế rồi để xui xẻo lọt vào “bảng phong thần” của Pandora.
Còn căn nguyên thứ hai xem ra cũng hơi giống với lý do vừa kể, đó là bản thân Hoa Kỳ là một thiên đường thuế, nếu không muốn nói là thiên đường thuế lớn nhất hành tinh. Theo hồ sơ Pandora, đây là mảnh đất màu mỡ cuốn hút những tay đầu tư nước ngoài đổ về để mong thu lợi bất chính từ hành vi né thuế của quốc gia họ, trong khi đa số giới tài phiệt Mỹ lại xem chừng khá lạnh nhạt với miếng bánh sinh lợi này, như kiểu “Bụt nhà không thiêng”.
Một vài tiết lộ từ Pandora đã chứng minh điều ấy. Chẳng hạn vụ lâu đài trị giá 22 triệu USD ở French Riviera – có cả rạp chiếu phim và hai bể bơi - được một thủ tướng kiêm tỷ phú Cộng hòa Séc đặt mua thông qua các công ty nước ngoài. Rồi vụ 13 triệu đô la được một gia đình quyền lực nhất Guatemala kinh doanh xà phòng và son môi “ém nhẹm” ở một quỹ tín thác vùng Great Plains Hoa Kỳ.
Cũng không thể không nhắc đến 3 dinh thự bên bờ biển ở Malibu được vua Jordan mua thông qua ba công ty nước ngoài với giá 68 triệu USD trong những năm bùng nổ phong trào Mùa xuân Ả Rập ở Jordan, khi người dân đổ ra đường để phản đối tình trạng thất nghiệp và tham nhũng…
Tất nhiên cũng không thể tránh được chuyện có kẽ hở. Hàng loạt người nước ngoài giàu có đã chuyển tiền đến những quỹ tín thác ở South Dakota. Các quỹ này được hưởng một số biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ nhất thế giới, giúp khách hàng của họ tránh được thuế quan, chủ nợ và cả các nhà điều tra tội phạm lẫn công chúng
Nghĩa là đã có một vòng tuần hoàn! Tiền chảy ra khỏi Hoa Kỳ và những khoản đầu tư đó tạo ra lợi nhuận ở nước ngoài, rồi sau đó khối lợi nhuận này lại quay trở về Mỹ để được tái đầu tư một lần nữa. Quy trình ấy tạo ra thu nhập đáng kể cho các công ty tài chính Hoa Kỳ, đóng góp lớn cho nền kinh tế nước này, ước tính khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội.
Nếu tất cả số tiền nước ngoài này chảy ngược ra khỏi Hoa Kỳ cùng một lúc, thì ảnh hưởng kinh tế đối với Hợp Chủng Quốc thật tai hại. Hơn 1/5 nền kinh tế Mỹ nằm trong lĩnh vực tài chính, và giả dụ đột ngột nơi đây không còn là thiên đường thuế của thế giới nữa thì có lẽ không còn điều gì tồi tệ hơn.
Thế nên giải pháp để an toàn rõ ràng là đơn giản phải tăng cường tính minh bạch, có nghĩa các dòng tiền vào Hoa Kỳ đều có thể truy xuất được nguồn thông qua điểm đến đầu tư cuối. Loại minh bạch đó sẽ cho phép các cơ quan tài chính và chống tham nhũng hành động, và chính các tỷ phú Mỹ thoải mái tin tưởng vào biện pháp này nên chẳng muốn trốn thuế khiến bị Pandora “soi”.