Sớm trình Chính phủ Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030
(DNTO) - Bộ Công thương đang xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới.
Trao đổi trong họp báo thường kỳ chiều 17/6, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, vấn đề xuất khẩu bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Công thương đang xây dựng. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu nhưng không đánh đổi những vấn đề quan trọng khác như lao động, môi trường và phải gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định cán cân thương mại.
Ông Hải cho biết, yếu tố quan trọng hàng đầu để xuất khẩu bền vững là phải tạo được nguồn hàng ổn định. Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Vấn đề thứ hai là rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Đơn cử như ngành dệt may. Hiện nhiều địa phương có tâm lý không tiếp nhận các đầu tư cho các dự án dệt nhuộm, coi đó là ngành nghề ảnh hưởng đến môi trường.
“Đây là yếu tố cần làm rõ vì hiện nay công nghệ dệt nhuộm đã có nhiều cải thiện. Nếu như nhà đầu tư đáp ứng được các yếu tố về môi trường thì các địa phương có thể xem xét ra sao để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện cho khâu dệt nhuộm vải?”, ông Hải nêu rõ.
Với việc hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, ông Hải cho biết, hiện Bộ Công thương đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong lĩnh vực xuất khẩu, thích nghi và vượt qua rào cản thương mại, đặc biệt là hàng rào thương mại phi thuế.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại sẽ tận dụng thành quả công nghệ với hình thức phù hợp để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh những rủi ro, bất lợi từ việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó cũng được đẩy mạnh.
Đối với hoạt động thương mại biên giới, các địa phương biên giới cần đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Song hành với phát triển xuất khẩu, ông Hải cho biết, việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu… cũng tiếp tục được chú trọng.
“Trên các nền tảng định hướng như vậy, các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 mà Bộ Công thương đang xây dựng, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải nêu rõ.