‘Sau khi Việt Nam mở cửa du lịch vào ngày 15/3, điều tiếp theo là gì?’
(DNTO) - Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group đã đặt câu hỏi như vậy tại Diễn đàn: “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Ông Hà bày tỏ, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có những thông tin cụ thể về việc cấp visa và thời hạn cách ly khi tới Việt Nam. Đây vẫn là những khó khăn cho các doanh nghiệp khi thời điểm ngày 15/3 đang kề cận.
Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam mở cửa vào ngày 15/3, vậy điều tiếp theo là gì? Du lịch Việt Nam đang có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực… để thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn đang loay hoay trong câu chuyện định vị thương hiệu trong mắt du khách quốc tế và chưa có điểm mạnh trong khu vực.
Từ thực tế đó, ông Hà cho rằng, tài nguyên di sản có thể dùng để định vị du lịch Việt khi sở hữu hai nguồn tài nguyên lớn là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Đây đều là những điểm mạnh của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Điều quan trọng là chúng ta không “ăn mày” di sản mà còn làm mới, sáng tạo dựa trên di sản… thậm chí tạo nên một nền kinh tế văn hóa khác biệt với các quốc gia. Do đó, có thể lấy mỏ vàng tài nguyên di sản để định vị thương hiệu du lịch Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược phát triển với tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới để triển khai thương hiệu này
Mặt khác, ông Hà kiến nghị, Tổng cục Du lịch có thể xem xét làm mới lại bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia để mang lại thông điệp mới mẻ hơn đến khách quốc tế để góp phần định vị thương hiệu du lịch Việt một cách bền vững hơn. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần có chiến dịch để thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp hơn để nâng tầm Việt Nam trở thành điểm đến chất lượng và cao cấp hơn.
Về vấn đề này, ông William Haandrikman, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi nhận định, để cho du lịch phục hồi, cất cánh, nên mở cửa ngành du lịch với việc áp dụng các chính sách như trước khi đại dịch, mở cửa biên giới mà không áp dụng quy định ngặt nghèo về cách ly. Theo đó, đại diện Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi cho biết, một trong những mối quan tâm hàng đầu khi mở cửa lại du lịch là đảm bảo an toàn cho khách hàng. Bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo minh bạch thông tin, an toàn cho nhân viên và chuyển đổi số.
“Ở góc độ doanh nghiệp, xu hướng ưu tiên nổi bật là chất lượng dịch vụ phải hoàn hảo, đảm bảo an toàn cho du khách, đưa ra các giải pháp số đảm bảo thông tin minh bạch là cơ sở để chúng ta thu hút du khách trở lại với du lịch Việt Nam”, ông William Haandrikman nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện Sofitel Legend Metropole Hanoi cũng cho biết, có những xu hướng khách hàng mới. Theo đó, khách du lịch sẽ tìm hiểu các ưu đãi và tính linh hoạt dịch vụ của các doanh nghiệp.
“Khách hàng sẽ quan tâm tính linh hoạt xử lý các trường hợp khi khách hàng có thể bị lỡ hẹn khi dương tính. Du lịch bền vững cũng là xu hướng mà khách hàng sẽ thích để giảm tải tiếp xúc, giữ an toàn khi du lịch trong dịch bệnh. Yếu tố thư giãn và sức khoẻ tinh thần cũng là điều mà du khách đặc biệt quan tâm”, ông William Haandrikman chia sẻ.
Đặc biệt, đại diện Sofitel Legend Metropole Hanoi nhận định 4 điểm chính doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện mở cửa hoàn toàn, đó là chúng ta phải đặt vấn đề an toàn sức khoẻ khách hàng và nhân viên lên hàng đầu. Đưa ra ưu đãi ngay tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trong thành phố. Xác định thị trường quốc tế trọng tâm. Đồng thời, khách hàng khi du lịch đến Việt Nam sẽ quan tâm ẩm thực, văn hoá địa phương.
Ngày 12/3, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 1560 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2026.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới; khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, trên tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong lĩnh vực du lịch thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở quá trình phát triển du lịch theo các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược.