PMI tháng đầu năm tiếp tục giảm sâu, doanh nghiệp cần thêm trợ lực để tạo sức bật mới
(DNTO) - Các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất Việt Nam đang xấu đi trong tháng đầu năm 2025 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm. Các công ty đã ứng phó với khối lượng công việc giảm bằng cách cắt giảm việc làm và giảm lượng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm.
Sáng 3/2, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 1/2025. Theo kết quả báo cáo của S&P Global, các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của Việt Nam xấu đi trong tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm trở lại. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm lại, tạo cơ hội cho các công ty giảm giá bán hàng trong những nỗ lực kích thích nhu cầu.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 48,9 điểm trong tháng 1/2025, giảm so với 49,8 điểm của tháng 12/2024 và nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. Mức suy giảm của các điều kiện hoạt động là vừa phải, nhưng đáng kể hơn một chút so với kỳ khảo sát trước.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong bốn tháng vào tháng 1 khi các thành viên nhóm khảo sát báo cáo nhu cầu khách hàng giảm. Tình trạng giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới một phần phản ánh mức giảm của số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, khi chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp.
“Việc giảm đơn đặt hàng mới đã dẫn đến sự sụt giảm sản lượng, và đây cũng là lần giảm đầu tiên trong bốn tháng. Tuy nhiên, giống như trường hợp số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ giảm sản lượng chỉ là nhẹ”, báo cáo đánh giá, đồng thời cho rằng số lượng đơn đặt hàng mới giảm đồng nghĩa với việc có một mức công suất dự phòng nhất định trong ngành sản xuất của Việt Nam. Do đó, các công ty đã có thể giải quyết được lượng công việc tồn đọng lần đầu tiên trong tám tháng.
Báo cáo cũng nêu rõ, các công ty đang tiếp tục đối mặt với sự chậm trễ trong việc mua nguyên vật liệu, khi thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài tháng thứ năm liên tiếp. Theo các thành viên nhóm khảo sát, hoạt động vận tải chậm và chi phí vận chuyển tăng là nguyên nhân khiến thời gian giao hàng kéo dài.
Các nhà sản xuất Việt Nam tỏ ra ngần ngại trong việc lưu trữ hàng tồn kho vào đầu năm, khi lượng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm mạnh. Khảo sát cho thấy, tốc độ giảm hàng tồn kho sau sản xuất là nhanh nhất kể từ tháng 7/2024 và là một trong những mức giảm đáng kể nhất từng được ghi nhận.
Dù còn nhiều khó khăn, các công ty vẫn duy trì triển vọng lạc quan về sản lượng trong năm tới. Tâm lý kinh doanh tháng 1/2025 đã phục hồi sau mức thấp của 19 tháng được ghi nhận vào tháng trước. Hơn 36% số người trả lời khảo sát dự đoán sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, với hy vọng nhu cầu thị trường sẽ phục hồi.
Cần thêm trợ lực trong chu kỳ biến động mới
Theo các chuyên gia, xuất khẩu hàng hoá năm 2025 sẽ bước vào chu kỳ biến động mới với nhiều ẩn số trên thị trường, đặc biệt là chính sách mới của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào "chiến tranh thương mại" với việc tăng thuế nhiều đối tác lớn và tới đây có thể còn nhiều động thái nữa. Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.
Đồng thời cũng cần lưu ý đến các thách thức lớn về việc Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao, các xu hướng về đầu tư núp bóng, gian lận nguồn gốc xuất xứ... trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm.
Với kết quả của năm 2024 khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỉ USD, tăng 14,3%, sẽ tạo đà cho năm 2025. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp trong ngành da giày, túi xách sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế tại những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn đang chiếm 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt phải xử lý được bài toán về những hàng rào kỹ thuật mà các quốc gia hiện đang tập trung, trong đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu ra rất nhiều về yêu cầu sản xuất xanh, sản xuất sạch, sản xuất tuần hoàn.
Việc đó ảnh hưởng đến tất cả các ngành, trong đó ngành da giày chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì là ngành sử dụng khá nhiều loại hóa chất. Do vậy, để có sức bật mới thì một trong những giải pháp đặt ra cho ngành da giày trong năm 2025 là tìm cách vượt được những hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Tuy vậy, việc này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được, do nguồn lực còn hạn chế, cho nên rất cần được hỗ trợ trong chuyện này.
"Chúng tôi mong rằng với điều kiện thuận lợi như lãi suất cho vay nới hơn, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên trong thời gian tới. Kết hợp với đó là các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động xúc tiến thương mại để tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho việc mang sản phẩm hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu", Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, Bộ Công Thương mới đây cho hay sẽ tiếp tục ưu tiên tiếp sức cho các ngành hàng xuất khẩu "át chủ bài". Đó là nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo với hàm lượng công nghệ cao như điện tử, máy móc thiết bị. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ triển khai các giải pháp để tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm trên cơ sở thu hút đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu chất bán dẫn, đáp ứng yêu cầu về môi trường...
Thông qua việc đàm phán ký kết các FTA, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ các hiệp định. Đó là việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội nghị và tư vấn cho doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan. Cùng với đó là việc đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng và tiến độ giao hàng.