Đơn hàng mới tăng trở lại, doanh nghiệp phải có sách lược linh hoạt để đón sóng thị trường
(DNTO) - Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, với tín hiệu tổng cầu tăng trở lại, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp tục linh hoạt "bẻ lái" về thị trường xuất khẩu, giải quyết nhanh các yêu cầu mới của thực tiễn để đón sóng tăng trưởng.
Đơn hàng tăng, nỗi lo mới
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) được xem là chỉ số đo lường “sức khỏe” của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ. Sau 3 tháng liên tục suy giảm, trong báo cáo mới phát hành ngày 1/2, S&P Global cho biết các nhà sản xuất Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024 khi số lượng đơn đặt hàng mới bắt đầu tăng trở lại, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu hồi phục ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết triển vọng kinh tế thế giới đang dần “sáng hơn”, nhờ đó các đơn hàng xuất khẩu cũng gia tăng. Điều này được thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực xuất khẩu rau quả và các mặt hàng nông sản, hải sản, dệt may đã có những khách hàng lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc “chốt” đơn hàng đến hết tháng hết tháng 6/2024.
Các chuyên gia nhận định, năm nay doanh nghiệp có nhiều thuận lợi khi những khó khăn của việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được giải quyết, lãi suất ngân hàng đang giảm… Đây là những lợi thế để doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới.
Dù đơn hàng đã tăng trở lại, những tia sáng đã lấp ló giữa gam màu tối nhưng theo các doanh nghiệp và nhà sản xuất tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Đơn cử với ngành gỗ, cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023 đơn hàng đổ về nhiều để các doanh nghiệp gỗ xuất hàng cho khách bán vào mùa xuân. Nhưng từ giữa tháng 1/2024, cước tàu tăng 3.000 - 4.000 USD/container, thậm chí không có container do kênh đào Panama bị cạn, kênh Suez gặp khủng bố nên khách hàng ép doanh nghiệp phải xuất hàng sớm. Họ cũng đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn và có cớ huỷ hàng. Hàng làm trễ có nguy cơ bị bỏ lại…
Không riêng gì doanh nghiệp gỗ, tình hình biến động trên thế giới như hiện tại đang đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực cần hết sức lưu tâm về mặt thị trường.
Chẳng hạn với tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Yuanta, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang châu Âu như dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện có thể chịu ảnh hưởng do sự kết hợp giữa thời gian giao hàng kéo dài và giá cước tăng, chi phí bảo hiểm tăng, tạo ra rủi ro cho các ngành hàng xuất khẩu. Điều này đòi hỏi bản thân doanh nghiệp phải theo dõi sát diễn biến và linh hoạt thích ứng.
Chờ "cú bẻ lái" linh hoạt để đón sóng thị trường
Rõ ràng, việc đoán định các diễn biến tiếp theo của thị trường trong năm 2024 là bài toán khó với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Trong hàng loạt dự báo gần đây từ các tổ chức quốc tế cũng như chuyên gia trong nước đều nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến xung đột chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua của các thị trường.
Điều này đòi hỏi bản thân doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến, linh hoạt thích ứng, biết “biến nguy thành cơ” thông qua những sách lược linh hoạt. Đặc biệt là cần chú trọng nhiều hơn đến những thị trường gần, ít rủi ro, có nhiều lợi thế, nhu cầu tiêu thụ cao, có dư địa tăng trưởng.
Cụ thể, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang 2 thị trường tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc, đang có lợi thế nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Điển hình như từ năm 2024, trái cây từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, trong khi các quốc gia khác trong khu vực ASEAN vẫn chịu thuế 36%, hoặc từ Trung Quốc chịu thuế 27%.
Riêng với thị trường Ấn Độ, nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu trong thời gian qua có thể thấy, về phía Việt Nam nhóm ngành sản xuất điện thoại, nông sản, sắt thép...có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân này. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt cần tạo hệ sinh thái cũng như tiếp cận thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng tại quốc gia này.
Để doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ không chìm trong khó khăn, Ts. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM, cho rằng, trong năm 2024 này, nếu các doanh nghiệp nhỏ biết tập trung đúng vào thị trường ngách tại nội địa phù hợp với dịch vụ, sản phẩm vừa phải của họ thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở nên hiệu quả hơn.
“Hơn bao giờ hết, trong lúc này đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ nên tập trung vào thị trường ngách. Bởi vì điều đó có tính bền vững, phù hợp với quy mô nhỏ của họ, cũng như phù hợp với lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp nhỏ đang tham gia”, ông Bình nói.