Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: 'Có nơi không muốn phân cấp vì sợ mất quyền lực'
(DNTO) - Nhận trách nhiệm quản lý lĩnh vực khi việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hai từ được nhắc đến nhiều nhất là "chậm" và "chưa".
Chốt phiên chất vấn về các vấn đề nội vụ và tư pháp chiều 7/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đăng đàn trả lời làm rõ 4 nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phân cấp; xây dựng hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; và khâu tổ chức thực hiện.
Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ đồng tình với phát biểu giải trình trước đó của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Qua Báo cáo trung tâm và các ý kiến của đại biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cho rằng có hai từ được nhắc đến nhiều nhất trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là "chậm" và "chưa"; đồng thời nhận trách nhiệm đó thuộc về Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng phụ trách các bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp.
Dẫn lại số liệu "giật mình" được các đại biểu đề cập khi có đến 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật có hiệu lực, Phó Thủ tướng nhận khuyết điểm và hứa cố gắng từng bước khắc phục.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng đại biểu mới đề cập đến tình trạng chậm về số lượng, định lượng, thời gian, còn một điều quan trọng hơn là Chính phủ gặp áp lực khi phải xây dựng những nghị định, thông tư có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình nhưng cũng tạo điều kiện thông thoáng. Ngoài ra, quá trình đánh giá tác động sau khi các chính sách được ban hành cũng cần nhiều thời gian.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực, nguồn lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.
Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng hiện nay đây là vấn đề có tầm quan trọng rất đặc biệt, bởi đó vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho nhiều việc.
Phó Thủ tướng cho rằng việc phân cấp còn khó khăn, vướng mắc do xung đột với những quy định của luật chuyên ngành. Các văn bản pháp luật gần đây của Chính phủ và bộ, ngành ban hành đang theo hướng này, bởi luật có tính phổ quát, có khi hợp lý chỗ này nhưng chưa hợp lý chỗ khác; đồng thời tránh phải cải cải thủ tục hành chính.
Ông dẫn chứng: “Bí thư một tỉnh phía bắc đã nắm tay tôi cảm ơn chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình giao thông; phải trải qua 24 thủ tục hành chính mới được giải quyết”.
Ngoài ra theo Phó Thủ tướng: "Ở nơi này, nơi khác, cơ quan này đơn vị kia không muốn phân cấp, vẫn muốn ôm, nếu không phải vì lợi ích thì cũng không muốn mất đi quyền lực của mình".
Về hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ này để đến ngày 29/9 vừa qua, Chính phủ có thể ban hành được Nghị định 73/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên theo Thủ tướng, để "bảo vệ" người dám nghĩ, dám làm còn vướng các quy định hiện hành.
Về công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng đây vẫn là khâu yếu. Để khắc phục điều này đòi hỏi cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn và chấn chỉnh, xử lý những vi phạm.