Ozempic bùng nổ tại quốc gia có số dân béo phì đông nhất thế giới
(DNTO) - Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề béo phì và thuốc giảm cân trở thành một mặt hàng “nóng”.
Trung Quốc là quốc gia có số dân béo phì cao nhất trên thế giới và họ phải tìm đến các loại thuốc giảm cân để giải quyết vấn đề này.
Ozempic, loại thuốc phổ biến chống bệnh béo phì, không phải là một giải pháp chính thống để giảm cân tại Trung Quốc, mà chỉ được chỉ định chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 (Type 2 diabetes). Nhưng người dân tại nước này đang ồ ạt mua loại thuốc được biết đến với tên thông tục “thuốc thần” thông qua các dịch vụ thương mại điện tử, chỉ bằng cách tự khai họ được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, mà không cần phải khai báo bất kỳ chứng cứ nào.
Loại thuốc này được bán với giá rất hấp dẫn, trên JD.com, liều Ozempic cho một tháng được bán với giá khoảng 3 triệu 400 nghìn đồng (hoán đổi).
Thị trường “chợ xám” của thuốc Ozempic cho thấy vấn đề đau đầu của chính quyền Trung Quốc, vật lộn tìm giải pháp xử lý nạn béo phì tại quốc gia này.
Có hơn 200 triệu người trưởng thành bị béo phì tại Trung Quốc, và 400 triệu người thừa cân - theo dữ liệu của Jefferies. Sẽ có thêm 100 triệu người dân nơi đây bị béo phì trong thập kỷ tới, mặc cho xu hướng dân số thuyên giảm tại đây.
Nhu cầu cho Ozempic đến từ những khách hàng sẵn sàng trả tiền từ hầu bao của riêng họ thay vì phải thông qua bảo hiểm, theo lời Christopher Lui, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chăm sóc sức khỏe châu Á tại Jefferies. Ông nói: “Khi thuốc này được phê duyệt để giảm cân, tôi nghĩ nhu cầu sẽ tăng đột biến hơn nữa”.
Vào 2017, Ủy ban Y tế Trung Quốc đã phải tiến hành một chiến dịch mang tên “ba giảm và ba điều khỏe”, kêu gọi công dân Trung Quốc giảm lượng muối, dầu và đường, đồng thời cố gắng cải thiện vệ sinh răng miệng, trọng lượng cơ thể và sức khỏe xương. Ủy ban cùng với các cơ quan chính phủ khác cũng đã thông qua kế hoạch chống béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ trẻ em béo phì ở Trung Quốc cao hơn mức trung bình thế giới.
Béo phì không phải là một vấn đề mới đối với đất nước này. Zhuo Chen, giáo sư tại Đại học Georgia, cho biết mức sống của người dân Trung Quốc được cải thiện sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, góp phần làm tăng lượng tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng.
Năm 2014, các tướng lĩnh Trung Quốc phàn nàn rằng những người lính ngày càng trở nên quá to lớn để có thể "nhét" vừa vào xe tăng. Nhưng những phát kiến mới trong ngành thuốc giảm cân đã tạo ra cơ hội kinh doanh cho các công ty.
Theo nhà cung cấp dữ liệu dược phẩm PharmCube, các công ty Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối cho hơn 10 loại sản phẩm sử dụng GLP-1, loại thuốc cũng được sử dụng như Ozempic. Loại thuốc này mô phỏng một loại hormone trong ruột giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và ngăn chặn sự thèm ăn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Clarivate, thị trường thuốc GLP-1 ở Trung Quốc trị giá khoảng 1,7 tỷ USD vào năm 2023, mặc dù hơn 80% trong số đó đến từ các đơn thuốc trị bệnh tiểu đường. Karan Verma, nhà phân tích dữ liệu và nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tại Clarivate, cho biết thị trường này có thể tăng gấp 5 lần trong 10 năm tới, thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng sử dụng loại thuốc này chỉ để giảm cân.
Trong tháng 1 vừa qua, Innovent Biologics, một nhà sản xuất thuốc có trụ sở tại Tô Châu, cho biết vừa qua họ đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng cho mazdutide, một loại thuốc GLP-1 mà công ty này thỏa thuận cấp phép từ hãng Eli Lilly. Innovent cho biết Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc đã chấp nhận đơn đăng ký về việc sử dụng mazdutide trong việc kiểm soát cân nặng mãn tính. Các nhà phân tích dự đoán loại thuốc này có thể có mặt trên thị trường Trung Quốc vào khoảng đầu năm 2025.
Một số công ty khác cũng đang khai thác thị trường vốn để gây quỹ cho việc phát triển thuốc điều trị béo phì. Có nguồn tin trong cuộc cho biết Hangzhou Jiuyuan Gene Engineering, một nhà sản xuất dược phẩm, đang đặt mục tiêu huy động được khoảng 100 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu sắp tới trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Các nhà phân tích cho rằng cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, đặc biệt khi bằng sáng chế cho loại thuốc Ozempic và Wegovy sẽ hết hạn vào năm 2026 tại Trung Quốc.
Tuy vậy, cách kiểm soát thị trường này bởi chính quyền Trung Quốc vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Wilfred Yuen, nhà phân tích chăm sóc sức khỏe Trung Quốc tại Daiwa Capital Markets, cho biết: “Có thể sẽ có thêm nhiều quy định hoặc biện pháp kiểm soát đối với việc sử dụng mỹ phẩm”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các biện pháp pháp lý đối với thị trường chợ đen vẫn còn xa vời, do nguồn cung cấp thuốc vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu giữ mức ngày càng cao.