Những thách thức nào đang 'chờ' các nhà băng từ nay đến cuối năm?
(DNTO) - Nhìn chung, ngành ngân hàng có nhiều cơ hội và tăng trưởng khả quan song bên cạnh cơ hội vẫn còn những mối lo lớn hiện hữu, trong đó, diễn biến phức tạp của đại dịch và sự gia tăng nợ xấu là một trong những thách thức lớn bủa vây các nhà băng nửa cuối năm 2021.
Ngành ngân hàng cần chuẩn bị kịch bản để đối phó với 5 thách thức
Nửa cuối năm 2021, nền kinh tế vật vã với đại dịch Covid-19. Hầu hết các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế biến thành điểm nóng về nguy cơ, thậm chí, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất nước đang trở thành ổ dịch quy mô lớn, buộc phải giãn cách theo Chỉ thị 16. Đáng chú ý, đây là những nơi tập trung dòng chảy tín dụng, các khoản đầu tư lớn, cho vay vốn lưu động, cho vay tiêu dùng đối với người lao động.
Nếu không có Thông tư 03, các ngân hàng sẽ phải trích lập rất mạnh các khoản nợ xấu trong năm nay. Bù lại, thông tư này đã giãn thời gian trích lập tới 3 năm. Việc trích lập dự phòng cụ thể tùy thuộc sự chịu ảnh hưởng từ chất lượng dư nợ cho vay của ngân hàng.
Bởi vậy, dù lạc quan đến mấy, cũng khó có thể vẽ ra viễn cảnh màu hồng cho cả ngành ngân hàng trong nửa cuối năm trở đi, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường, chưa được kiểm soát.
Có lẽ vì lẽ này mà theo kết quả khảo sát chuyên gia và ngân hàng của Công ty Vietnam Report vừa công bố ngày 13/7, triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2021 khá khả quan nhưng không quá tích cực, do những lo ngại về diễn biến khó lường của đại dịch. Bên cạnh những thuận lợi, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với một số thách thức.
Theo đó, diễn biến phức tạp của đại dịch và sự gia tăng nợ xấu là một trong những thách thức đầu tiên của ngành ngân hàng trong năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Trong những tháng đầu năm, nợ xấu của toàn hệ thống không quá cao, chưa đến mức đáng lo ngại nhưng luôn hiện hữu và tiềm ẩn, có xu hướng gia tăng.
Đợt bùng phát lần thứ tư của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, trên cả nước mỗi ngày có hàng nghìn ca mắc mới. TP.HCM phải thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 tạo thêm những lo ngại về sự phục hồi kinh tế.
Nếu tốc độ tiêm chủng của Việt Nam không đáp ứng việc dịch bệnh chưa được kiểm soát thì đến năm 2022, nền kinh tế sẽ bị chững lại, các doanh nghiệp không hồi phục được như mô hình trước dịch và khả năng trả nợ giảm. Khi đó, nợ xấu sẽ gối đầu nhau và tăng dần lên, như vậy doanh nghiệp và nhiều khách hàng cá nhân không tiếp cận được vốn, cùng với đó là nhu cầu tín dụng giảm.
Do đó, đây là thách thức lớn đầu tiên mà các ngân hàng cần phải chuẩn bị những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
Thách thức thứ hai đó là việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ở cấp độ cao hơn.
Theo xu thế phát triển và hội nhập, nhóm ngân hàng cần thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao hơn như Basel II, Basel III nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, khẳng định vị thế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và thế giới cũng như tạo niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mực gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và thị trường.
Thách thức thứ ba đó là sự cạnh tranh của ngân hàng trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Có thế thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển của công nghệ, áp lực cạnh tranh của ngành ngân hàng ngày càng khốc liệt. Không chỉ là cuộc cạnh tranh của ngân hàng với nhau, giữa các ngân hàng với các công ty tài chính mà còn là giữa ngân hàng với fintech và bigtech, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán và cho vay nhỏ lẻ, tiêu dùng.
Có thể thấy, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm là hai chiến lược mũi nhọn được nhiều ngân hàng lựa chọn để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Điều này đòi hỏi mỗi ngân hàng phải thay đổi nhanh hơn, quyết liệt hơn để tạo dựng được hình ảnh và vị thế của mình.
Thách thức thứ 4, đó là những nút thắt về chính sách với các mô hình kinh doanh mới.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính ra đời như mô hình ngân hàng số 100%, tiền kỹ thuật số, cho vay ngang hàng... và đang cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng truyền thống.
Tại Việt Nam, nhiều quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay ngang hàng, dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt... vẫn đang ở dạng dự thảo, chưa được chính thức ban hành. Các quy định pháp lý trong nước lại chưa theo kịp với yêu cầu, khiến các ngân hàng thương mại e dè trong việc áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài khuôn khổ cho phép.
Thứ năm là rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu an toàn
Ngân hàng đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế và luôn dẫn đầu trong việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, hầu hết các giao dịch và hoạt động tài chính được xử lý trực tuyến nên có một tỷ lệ cao số vụ tội phạm an ninh mạng liên quan đến các ngân hàng.
Tính bảo mật cao chính là chìa khóa mang lại niềm tin cho khách hàng và các đối tác trong kinh doanh. Kết quả khảo sát của Vietnam Report với khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã chỉ ra top 3 yếu tố khi lựa chọn một ngân hàng: Giao dịch an toàn, bảo mật cao (67,65%); Thủ tục đơn giản, nhanh chóng (64,71%); Phí dịch vụ (50%).
Ngoài ra, ngân hàng cũng gặp phải những rủi ro về đạo đức liên quan đến khách hàng, và nhân viên ngân hàng.