Những chuyển biến của thế giới đương đại

(DNTO) - Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đa cực hóa về trật tự chính trị, đa dạng hóa về phát triển văn hóa, tin học hóa trong đời sống xã hội, gia tăng hóa sự gắn kết, phụ thuộc vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau.
Bối cảnh đó ẩn chứa nhiều chuyển biến lớn lao phức tạp khó lường, vừa mang đến cho con người những thời cơ, vận hội và tràn đầy hy vọng, vừa đặt ra trước mắt nhiều nguy cơ, thách thức và những lo lắng bất an.
Tình hình mới trên thế giới có thể nhận rõ qua những chuyển biến nổi bật.
Thứ nhất, sự chuyển dịch quyền lực theo hướng từ Tây sang Đông. Thế giới đã chứng kiến 3 cuộc chuyển giao quyền lực lớn làm thay đổi cơ bản đời sống quốc tế trên mọi mặt, từ chính trị, quân sự đến kinh tế - văn hóa. Cuộc chuyển giao quyền lực thứ nhất là sự trỗi dậy của châu Âu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp, thương mại và đầu tư.
Cuộc chuyển giao thứ hai là sự trỗi dậy của Mỹ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Mỹ trở thành siêu cường chi phối trật tự quốc tế đến cuối thế kỷ XX. Bước vào thế kỷ XXI, do suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn tới sự chuyển dịch quyền lực thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Đó là sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông và dẫn tới sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng giữa các nước lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Sự chuyển dịch lần thứ ba này đã và đang tác động đến quan hệ quốc tế, tập hợp lực lượng giữa các nước không chỉ trong phạm vi các khu vực mà biến động sâu sắc tới toàn cầu. Sự chuyển dịch đó làm cho cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn.
Trong bối cảnh như vậy, sự cọ sát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến an ninh, chính trị thế giới.

Bước vào thế kỷ XXI, do suy yếu tương đối của Mỹ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn tới sự chuyển dịch quyền lực thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Đó là sự chuyển dịch trọng tâm quyền lực từ Tây sang Đông Ảnh: TL.
Thứ hai, các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng. Ngày nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều chịu tác động của vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, nghèo đói và dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng.
Trong những vấn đề gay cấn và là những thách thức to lớn đó, thế giới đang chứng kiến đại dịch Covid-19 gây bao tai họa khiến hàng trăm triệu người nhiễm bệnh, hàng triệu người chết và hàng chục nghìn tỷ USD bị tiêu tốn, thất thoát.
Còn nữa, các cảnh báo rất cấp bách là biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước đang là các mối họa lớn, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Cùng với những vấn đề đe dọa an ninh toàn cầu nêu trên, an ninh biển cũng đang nổi lên trong thời gian tới. An ninh biển không chỉ liên quan đến an toàn các tuyến đường hàng hải mà ngày càng mở rộng ra các khía cạnh khác như an ninh môi trường biển, các nguồn lợi hải sản. Do tác động của việc gia tăng các tranh chấp biển, đảo và các chuyển biến của an ninh phi truyền thống khác, an ninh biển sẽ trở thành một trong những vấn đề chi phối quan hệ giữa các nước.
Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã nhận xét: “Chân trời có vẻ tối đi". Thế giới đang ở trong thời kỳ có nhiều xáo động. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên rất mạnh, chủ nghĩa phân hóa cũng đang phát triển và những tư tưởng cũng như hành vi cường quyền, cực đoan đang trỗi dậy. Trong khi các cuộc "Cách mạng màu" đã làm tan hoang một số nước tại Trung Đông, Bắc Phi; thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế chưa bao giờ phức tạp như bây giờ.
Chủ nghĩa khủng bố, điển hình là IS vẫn đang duy trì hoạt động tại Irắc, Syria và ở một số nước khác, đã không chỉ gây ra những bất ổn và biến động chính trị, quốc phòng, an ninh tại nhiều nước mà còn lôi cuốn nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vào “chảo lửa" này. Nguy hiểm hơn, các tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Âu, châu Á gây mất an ninh, an toàn xã hội. Những vụ tấn công nhằm vào Pháp, Bỉ, Anh, Nga, lan sang một số nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia cho thấy tất cả những điều đó không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, mà sẽ kéo dài, vô cùng phức tạp.
Thứ ba, trào lưu dân túy có chiều hướng gia tăng
Trào lưu dân túy trong thời gian gần đây đang nổi lên mạnh mẽ ở các nước phát triển. Ở châu Âu, lần đầu tiên các đảng dân túy có mặt tại hầu hết các quốc hội, chiếm ít nhất 10% số phiếu ủng hộ tại 16 nghị viện châu Âu, là lực lượng lớn nhất trong quốc hội 6 nước (Hy Lạp, Hungary, Italia, Ba Lan, Slovakia và Thụy Sỹ). Trào lưu dân túy ở châu Âu có đặc điểm là phản đối xu hướng liên kết hội nhập, phê phán các chính sách ủng hộ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chống nhập cư, phản đối việc đặt lợi ích của EU lên trên chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Trào lưu dân túy trong thời gian gần đây đang nổi lên mạnh mẽ ở các nước phát triển. Ảnh: TL.
Ở Mỹ, trào lưu dân túy cánh hữu nổi lên có sự tham gia của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa và một số thành viên Đảng Dân chủ theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” để lôi kéo cử tri. Trào lưu dân túy hiện đang gây ra một số tác động khá tiêu cực.
Ở trong nước, các trào lưu dân túy làm tăng thêm các mâu thuẫn nội bộ, đẩy tình trạng bất ổn lên cao, làm cho chính sách đối nội và đối ngoại bất định. Đối với bên ngoài, trào lưu này chống liên kết, hội nhập quốc tế và khu vực, gắn ưu tiên thậm chí ly khai khỏi các cơ chế đa phương như trường hợp Anh rút khỏi EU, Mỹ rút khỏi TPP và rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Điều đó làm giảm hợp tác, tăng cạnh tranh, xung đột và do đó đưa đến những căng thẳng mới trong quan hệ quốc tế.