Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2022
(DNTO) - Trong tháng 5/2022, nhiều chính sách mới về văn hóa, giáo dục-đào tạo, giao thông-vận tải, doanh nghiệp,... bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Từ ngày 21/5 có thể đăng ký xe máy tại công an xã, xe ô tô tại công an huyện
Có hiệu lực từ ngày 21/5/2022, Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trong đó, Thông tư 15 (sửa đổi khoản 6 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA) trao quyền cho công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) cho cá nhân, tổ chức.
Theo đó, công an cấp xã đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Lưu ý, chỉ những xã trong ba năm liền kề gần nhất có số lượng đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong một năm, thì công an xã sẽ được thực hiện đăng ký và cấp biển số xe.
Cũng theo Thông tư 15/2022/TT-BCA, công an cấp huyện sẽ đăng ký, cấp biển số xe ô tô cho tổ chức, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú trên địa phương mình; trừ:
- Xe ô tô của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng CSGT đặt trụ sở.
- Xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và xe ô tô của người nước ngoài làm việc trong cơ quan đó; xe ô tô của các cơ quan, tổ chức quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 58/2020/TT-BCA.
Quy định mới về cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 32/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 10/5/2022. Nghị định sửa đổi quy định về thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh. Theo đó, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp giấy phép nhập khẩu phim để phát hành, phổ biến theo quy định trong toàn quốc.
Nghị định bổ sung thẩm quyền cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp giấy phép nhập khẩu phim để phát hành, phổ biến theo quy định do Đài Phát thanh-Truyền hình địa phương nhập khẩu.
Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim sẽ thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19/5/2022.
Hiện nay, mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg còn sửa đổi đối tượng cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng, cụ thể: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật (quy định mới); hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật (quy định mới).
Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 19/5/2022.
Tăng mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân xuất ngũ
Thông tư 22/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.
Thông tư nêu rõ, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg; quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.
Mức trợ cấp hằng tháng của các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.
Thời gian tối đa để người học hoàn thành học trung cấp, cao đẳng không quá 4,5 năm
Kể từ ngày 15/5/2022, Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo tín chỉ sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ do hiệu trưởng quyết định nhưng phải đảm bảo: không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học; không vượt quá 02 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học.
Như vậy, thời gian học trung cấp, cao đẳng tối đa chỉ đến 4,5 năm đối với các chương trình đào tạo 3 năm. Trong khi hiện nay, Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định thời gian tối đa không vượt quá 2 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 3 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ một đến dưới hai năm học.