Nhu cầu tiêu thụ 'ấm' dần, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lấy lại đà tăng trưởng
(DNTO) - Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang dần lấy lại phong độ tăng trưởng. Nếu như trong 15 ngày cuối tháng 2, xuất khẩu giảm tới 7,2%, thì sang đến 15 ngày đầu tháng 3 đã tăng trở lại với 6,9%. Do đó, các doanh nghiệp đang cần thêm những trợ lực, đặc biệt về chính sách, để có sức tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong kỳ 1 tháng 3/2023 (từ ngày 01/3 đến ngày 15/3) tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,2 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 4 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 02/2023.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 9,75 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 525 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023.
Ở chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 29,4% (tương ứng tăng 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023...
Mặc dù, hoạt động xuất khẩu trong kỳ đầu tiên của tháng 3 đã cho thấy tín hiệu khởi sắc, song mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2023 vẫn đang đứng trước không ít thách thức.
Các doanh nghiệp, chuyên gia dự báo phải đến hết quý II/2023 tình hình thị trường xuất khẩu mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn trong năm nay.
Hiện, trăn trở lớn nhất của các doanh nghiệp trong nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực là loại bỏ các rào cản về chính sách, thị trường, những rào cản nội bộ cấp doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt là cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về tín dụng, dòng vốn, thuế, phí, xúc tiến thương mại... để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
Đề cập đến thuế và chính sách, nhiều doanh nghiệp cho rằng, giữa khó khăn về thị trường xuất khẩu, họ không xin quá nhiều về chính sách giảm thuế mà chỉ cần cơ chế thông thoáng hơn để không bế tắc dòng vốn.
Ví dụ, mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, nếu có thể thì nên cho phép gia hạn 6 tháng thời điểm nộp toàn bộ các kỳ kê khai và nộp thuế trong năm 2023. Bởi lẽ, Dự thảo hiện tại vẫn đang quy định thời điểm cuối cùng phải nộp thuế là 31/12/2023. Việc "dồn" toàn bộ nghĩa vụ nộp thuế vào dịp cuối năm, tập trung vào tháng 12 gây nhiều khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp, bởi đây là dịp họ cần nhiều vốn lưu động ngắn hạn để chuẩn bị cho các đơn hàng.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu trong thời gian tới, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới như các thị trường Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.
Cùng với đó, phải tập trung "đánh" mạnh sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ - thị trường có sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Hoặc thị trường châu Phi với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên đến 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.